Tài xế vi phạm giao thông có thể tự mình tra cứu qua phần mềm

Từ ngày 1/6, Cảnh sát giao thông có thể biết giấy phép lái xe là thật hay giả, cơ quan cấp bằng lái cũng có thể biết giấy phép lái xe bị tạm giữ bao nhiêu lần; trong khi đó, lái xe có thể tự tra cứu lỗi vi phạm của mình thông qua phần mềm.
Ai chịu trách nhiệm với khoản tiền gần 90 tỉ đồng thu vượt tại BOT hầm Đèo Ngang?Sở Giao thông Vận tải Bắc Ninh bị khởi kiện

Chiều 30/5, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin về phần mềm quản lý giấy phép lái xe (GPLX).

Phát biểu tại Hội nghị, Đại uý Nguyễn Phước Huy - Phó Trưởng phòng Tham mưu Cục CSGT cho biết, phần mềm tra cứu thông tin GPLX được tích hợp trên cổng thông tin của Cục CSGT.

tai xe vi pham giao thong co the tu minh tra cuu qua phan mem
Tài xế vi phạm giao thông có thể tự mình tra cứu qua phần mềm. (Ảnh: Báo Giao thông)

Có 3 trường hợp tra cứu: tạm giữ GPLX mà người vi phạm không đến xử lý; những lái xe đang bị tước quyền sử dụng; phương tiện vi phạm giao thông được phát hiện qua hình ảnh.

Phần mềm mới này được tích hợp với phần mềm tra cứu GPLX của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, lực lượng CSGT các địa phương có thể tra cứu thông tin về GPLX vi phạm. Hiện có trên 3.000 trường hợp vi phạm đã được tích hợp vào phần mềm.

Ngoài ra, phần mềm còn cho phép tra cứu GPLX vi phạm trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ sẽ có tài khoản riêng để tra cứu GPLX có bị tạm giữ hay tước không. Phần mềm được tích hợp trên cổng thông tin điện tử của Cục CSGT với địa chỉ tên miền csgt.vn.

Trong đó có 3 phần, gồm: tên truy cập, mật khẩu và khi tra cứu, tài xế đánh số GPLX vào phần tìm kiếm sẽ cho ra kết quả có trong dữ liệu kết quả vi phạm.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đây là lần đầu tiên trong lịch sử sát hạch đào tạo cấp GPLX cũng như theo dõi xử lý, quản lý lái xe được kết nối giữa hai Bộ Công an và Bộ GTVT.

Điều này không những giúp xã hội thấy được tính minh bạch trong xử lý vi phạm cũng như cấp GPLX, mà nó còn giúp phát hiện kịp thời những gian dối có thể xảy ra của phía tài xế.

Qua đó, dựa vào kết nối này, Tổng cục Đường bộ sẽ cập nhật tất cả những dữ liệu của một tài xế từ khi bắt đầu vào học lấy GPLX cho đến khi điều khiển phương tiện lưu thông ra đường. Quá trình sau đó, lái xe vi phạm những lỗi gì, có uống rượu bia, sử dụng ma túy hay không, sử dụng mấy lần... đều sẽ được công khai.

Được biết, sau một thời gian nỗ lực không ngừng từ phía Bộ Công an và Bộ GTVT, phần mềm cũng hoàn thành để bắt đầu hoạt động đúng ngày 1/6 như kế hoạch. Cục CSGT sẽ tiếp tục hoàn thiện về mặt kỹ thuật, thao tác để phần mềm hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ tốt cho việc đảm bảo an toàn giao thông. Điều quan trọng nữa là hoàn thiện hành lang pháp lý để pháp lý hóa việc tra biển số.

Đức Trọng
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường