Tạm ngừng hoạt động nhà máy đường “đầu độc” sông Cái Lớn

Nước trên sông Cái Lớn bị ô nhiễm, người dân nghi ngờ Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát xả thải. Do đang trong quá trình điều tra nên Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang yêu cầu nhà máy tạm ngừng hoạt động để xác định ra nguyên nhân.
tam ngung hoat dong nha may duong 8220dau doc8221 song cai lon
Nước sông Cái Lớn đen như nước cống và bốc mùi hôi thối nồng nặc ngày 2/5. Ảnh:PLO

Cuối tháng 4/2019, nước sông Cái Lớn (Hậu Giang) bị nhuộm màu đen kịt kèm theo mùi hôi thối nồng nặc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và làm chết nhiều loài thủy sản nuôi trên sông.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Long Mỹ, tình trạng nguồn nước ô nhiễm xảy ra từ ngày 24/3 đến nay, gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ở hai xã Thuận Hưng và Vĩnh Thuận Đông, trong đó có 6 hộ nuôi cá trên sông bị thiệt hại ước tính gần 300 triệu đồng. Đỉnh điểm, ngày 2/5, nguồn nước đen đã lan rộng đến trung tâm thị xã Long Mỹ khiến khoảng 6.000 hộ dân lâm vào tình trạng thiếu nước sạch.

Ông Nguyễn Bá Nam – Giám đốc Chi nhánh Cấp thoát nước và Công trình đô thị thị xã Long Mỹ cho biết, do nước sông Cái Lớn bị ô nhiễm nên phải tạm ngừng lấy nước từ sông này cấp phát cho người dân. Để có nước sinh hoạt cho dân, chi nhánh cấp nước phải lấy nguồn nước ngầm để cung cấp, nhưng nguồn nước này cũng không đủ để cung cấp liên tục.

Trước đó, ngày 22/4, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ đã tiến hành khảo sát trên tuyến sông bị ô nhiễm, phát hiện tại cống xả của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát đang xả thải ra sông có màu vàng nhạt.

tam ngung hoat dong nha may duong 8220dau doc8221 song cai lon
Nước thải của Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát – một trong những nhà máy trong nghi vấn xả thải gây ô nhiễm dòng sông vừa qua. Ảnh:Duy Khương/TTXVN

Đến ngày 2/5, đoàn kiểm tra Công an tỉnh Hậu Giang đã kiểm tra trực tiếp tại Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát và lấy 6 mẫu nước để phân tích, đồng thời yêu cầu công ty khắc phục ngay việc xả thải ra sông Cái Lớn.

Sáng 6/5, ông Lê Tiến Châu – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cùng đoàn công tác đã trực tiếp thị sát, kiểm tra bên trong nhà máy và yêu cầu Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát tạm ngừng hoạt động.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nước trên sông này bị ô nhiễm, người dân nghi ngờ doanh nghiệp xả thải, vì đang trong quá trình điều tra nên tỉnh yêu cầu nhà máy tạm ngừng hoạt động để xác định ra nguyên nhân, còn ngừng đến khi nào thì vẫn chưa biết được.

Ông Lê Tiến Châu cho rằng, có nhiều nguyên nhân gây ra ô nhiễm nhưng mới chỉ là giả thuyết, chưa có kết luận rõ ràng. Khoảng 6.000 hộ dân ở thị xã Long Mỹ bị đảo lộn do không có nước để sinh hoạt, thuỷ sản chết hàng loạt.

tam ngung hoat dong nha may duong 8220dau doc8221 song cai lon
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang kiểm tra hệ thống xử lí nước thải tại nhà máy đường Long Mỹ Phát. Ảnh: Báo Tiền phong

Ngoài ra, hiện tại có khoảng 2.500 tấn mía đường đang tồn đọng tại cảng, ông Châu yêu cầu đơn vị không tiếp nhận thêm nguồn mía nguyên liệu, nếu công ty không chấp hành mà hoạt động có vấn đề gì thì công ty phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Ông Châu đề nghị các sở ngành, đặc biệt là Sở TN&MT thực hiện nghiêm chỉ đạo thường trực UBND tỉnh, đôn đốc để có kết quả cuối cùng và kết quả nguồn nghi ngờ ô nhiễm, đánh giá, thống kê thiệt hại người dân đến thời điểm này.

“Đối với nguyên nhân gây ô nhiễm trên sông Cái Lớn, chậm nhất trong tuần này phải có kết quả” – ông Châu nói.

Theo Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang, nước sông Cái Lớn thuộc địa bàn thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Đơn vị chức năng đã tiến hành quan trắc nước mặt trên đoạn sông này và phát hiện có nhiều chỉ số vượt quy định cho phép so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột A2.
Cụ thể, thông số TSS vượt quy chuẩn quy định từ 1,9-2,6 lần; thông số COD vượt quy chuẩn quy định từ 2,3-4,4 lần; thông số P-PO43 – vượt quy chuẩn quy định từ 1,6-3,5 lần; hàm lượng oxi hòa tan trong nước rất thấp, giao động từ 0-0,7 mg/l, trong khi quy chuẩn quy định ≥ 5 mg/l./.

Xuân Đoàn(T/h)

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường