Trong 3 thập kỷ qua, các thiên tai liên quan đến khí hậu ở Việt Nam đã gây ra thiệt hại ước tính trung bình hàng năm từ 1 - 1,5% GDP và khoảng hơn 130 người thiệt mạng. Tính riêng năm 2020, Việt Nam phải chịu thiệt hại 1,7 tỉ USD; khoảng 360 người bị thương. Ngoài ra, theo ước tính của Việt Nam, chi phí cho thích ứng với biến đổi khí hậu có thể vào khoảng 3% GDP tính đến năm 2030. Đây thực sự là con số không nhỏ đối với một nền kinh tế đang phát triển như nước ta.
Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, thiên tai trong thời gian qua đã cho thấy mối tương quan giữa biến đổi khí hậu với các rủi ro liên quan đến sức khỏe con người có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển chung của Việt Nam, trong đó có ngành du lịch. Năm 2021 cũng được dự báo là một năm thiên tai có nhiều biến động, cực đoan, không theo quy luật.
Theo đó, nhằm tăng cường khả năng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, kế hoạch đề ra những nhiệm vụ quan trọng như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền đối với công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên với phương châm phòng ngừa là chính.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “4 tại chỗ” và công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách có liên quan, bảo đảm sự thống nhất khi triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; hoàn thiện cơ chế, tổ chức để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, điều chỉnh, lồng ghép nội dung về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo hướng kết hợp đa mục tiêu, qua đó, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai khi triển khai thực hiện.
Cùng với đó tăng cường và nâng cao sự phối hợp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cùng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan về năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai cho công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, quy định đánh giá rủi ro thiên tai cho phù hợp; hằng năm, ưu tiên bố trí ngân sách, đa dạng hóa việc huy động và sử dụng nguồn lực, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Đặc biệt, thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ văn hóa, thể thao, du lịch và trụ sở làm việc của các đơn vị trực thuộc tại các địa phương thường xuyên chịu sự ảnh hưởng của thiên tai và đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị thiết yếu, chuyên dụng đáp ứng hiệu quả các nhu cầu về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành VHTT&DL; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động qua các phương tiện thông tin...