Tăng cường quản lý nợ công

Báo cáo của Chính phủ về tình hình nợ công năm 2019 và dự kiến năm 2020 gửi đến các đại biểu Quốc hội ngay trong tuần đầu của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV có nhiều điểm đáng chú ý.
Cần tăng cường kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm các vi phạm về nguồn nướcTăng cường bảo vệ trẻ em trên môi trường mạngThủ tướng ban hành chỉ thị tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

Trước hết, đó là dự kiến các chỉ tiêu nợ so với GDP đều duy trì trong các ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép và tiếp tục giữ được xu hướng giảm so với các năm trước. Cụ thể, dự kiến các chỉ tiêu nợ đến cuối năm 2019: Nợ công ở mức 56,1% GDP; nợ Chính phủ 49,2% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) ước khoảng 19,5% - 20,5%; nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45,8% GDP, giảm đáng kể so với mức 46,0% của năm 2018.

Đến năm 2020, dự kiến nợ công khoảng 54,3% GDP; nợ Chính phủ khoảng 48,5% GDP; nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP khoảng 45,5%. Có được yếu tố tích cực nêu trên, chủ yếu do năm 2019, tình hình cân đối NSNN diễn biến thuận lợi, qua đó giảm nhu cầu huy động vốn của Chính phủ để bù đắp bội chi cho đầu tư phát triển. Bên cạnh đó là chủ trương tiếp tục siết bảo lãnh Chính phủ (BLCP) cho doanh nghiệp vay và mức bảo lãnh phát hành cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam thấp hơn nợ gốc đến hạn, dẫn đến dư nợ BLCP tiếp tục giảm…

Tuy nhiên, bên cạnh những dữ liệu cho thấy nợ công Việt Nam đang chuyển biến theo hướng tích cực, cũng có một số vấn đề đặt ra đang tác động đến sự an toàn của nợ công. Đó là đỉnh nợ sẽ rơi vào năm 2020 với 10,3% danh mục nợ trong nước của Chính phủ đến hạn trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro thanh khoản cho NSNN. Dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN năm 2020 lên đến khoảng 23%, tức là tiến gần mức trần 25% được Quốc hội cho phép trong cả giai đoạn 2016 - 2020.

Mặt khác, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP tiếp tục giảm trong hai năm 2019 và 2020 một phần là do tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm, nhất là nguồn vốn nước ngoài. Điều này phản ánh mức đóng góp từ nguồn vốn vay cho tăng trưởng GDP còn hạn chế trong khi NSNN vẫn phải chịu chi phí cam kết đối với các khoản vay đã ký nhưng chưa giải ngân. Các chuyên gia đánh giá, vẫn chưa thể yên tâm rằng nợ công của Việt Nam đã thật sự an toàn, bền vững khi chúng ta mới bố trí được trả lãi, chưa trả được gốc. Bởi mới chỉ có đầu vào là tiền vay được quản lý chặt chẽ, còn đầu ra là các dự án đầu tư, xây dựng từ ngân sách, trái phiếu, vốn ODA vẫn gây băn khoăn về tính hiệu quả.

Cần tiếp tục tập trung tái cơ cấu các khoản nợ để giãn đỉnh nợ, tránh việc trả nợ dồn vào một thời điểm, tác động đến cân đối ngân sách. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục đầu tư công, thủ tục giao vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn, thủ tục đấu thầu… nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn vay. Đặc biệt, cần thúc đẩy phát triển thị trường vốn trong nước, thị trường trái phiếu Chính phủ cả về bề rộng và chiều sâu theo hướng đa dạng hóa công cụ nợ và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn và thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện hạn mức nợ nước ngoài theo phương thức tự vay, tự trả của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, bảo đảm trong hạn mức được phê duyệt, nhất là các khoản nợ ngắn hạn.

Theo Bích Ngân/Nhân dân

Xem thêm

Liên kết