Tạo cơ chế đặc thù cho ‘con cưng' Vietnam Airlines là trái với quy định chung và bất bình đẳng

Ngành hàng không đang phải hứng chịu những tổn thất nặng nề do dịch Covid-19 gây ra. Nhưng chỉ có Vietnam Airlines được hưởng nhiều cơ chế hỗ trợ mà các doanh nghiệp cùng ngành không có.

Được ưu ái hơn cả

Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng và trầm trọng thêm tình hình tài chính ngành hàng không, đặc biệt là hãng hàng không lớn nhất cả nước - Vietnam Airlines.

Theo đại diện của Vietnam Airlines, nếu không có các giải pháp hỗ trợ quyết liệt và đồng bộ, Vietnam Airlines sẽ bị thua lỗ hơn 20.000 tỉ đồng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, Vietnam Airlines đang lỗ luỹ kế 17.772 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 2.750 tỉ đồng.

Nếu tiếp tục ghi nhận vốn chủ âm trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cả năm 2021, hơn 2,2 tỉ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines sẽ bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) theo quy định tại Điều 120, Nghị định 155/2020.

Theo đó, Vietnam Airlines mới đây đã đề nghị Thủ tướng cho phép cổ phiếu HVN được đặc cách duy trì niêm yết tại HoSE, dù doanh nghiệp có thể bị âm vốn chủ sở hữu trong ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tiếp tục tạo cơ chế đặc cách cho cổ phiếu HVN sẽ dẫn tới việc làm trái với quy định chung, thể hiện cách đối xử không công bằng, tạo môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên tổng công ty này đề xuất có cơ chế hỗ trợ riêng. Vừa qua, Vietnam Airlines đã được Nhà nước tạo điều kiện để vay 4.000 tỉ đồng từ các ngân hàng thương mại với lãi suất 0% thông qua nguồn cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Trong tháng 9/2021, Vietnam Airlines tiếp tục huy động thêm 6.895 tỉ đồng từ chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu là Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) dù làm ăn thua lỗ nặng.

Chưa kể, Vietnam Airlines còn đòi nâng giá vé lên tối thiểu 705.000 đồng/vé cho chặng ngắn nhất, bất chấp việc gây tổn hại cho hành khách, doanh nghiệp khác để tự cứu mình.

Trong khi đó, dù cũng kiệt quệ về tài chính do khó khăn chung, nhưng các doanh nghiệp hàng không khác như Vietjet Air hay Bamboo Airways đến nay không nhận được gói vay ưu đãi lãi suất nào và cũng không được phát hành thêm cổ phần nếu thua lỗ.

Bất công đối với doanh nghiệp khác

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc Vietnam Airlines thua lỗ khủng là do các nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan. Khách quan là tác động của đại dịch Covid-19. Còn chủ quan là do năng lực quản trị hoạt động của doanh nghiệp này. Từ nhiều năm nay, trước khi dịch bệnh xảy ra, tài chính của Vietnam Airlines đã bị mất cân bằng khi nợ ngắn hạn luôn cao hơn tài sản ngắn hạn. Doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính, lấy nợ ngắn hạn nuôi dài hạn, đầu tư dàn trải.

Khi xảy ra sự cố, việc đứt gãy tài chính là điều khó tránh khỏi đối với những doanh nghiệp có tài sản được hình thành chủ yếu từ nợ như vậy. Nếu liên tục đưa ra những đặc cách về vay nợ, phát hành tăng vốn và niêm yết cổ phiếu thì Vietnam Airlines sẽ không tự cố gắng, cải tiến để nâng cao hiệu quả hoạt động, hình thành tư duy ỷ nại.

Tính đến ngày 30/6/2021, trên sàn HoSE ngoài Vietnam Airlines còn có doanh nghiệp khác cũng phải đối mặt với nguy cơ hủy niêm yết do rơi vào tình trạng âm vốn là Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF).

Trường hợp báo cáo tài chính hợp nhất cả năm 2021 vẫn ghi nhận vốn chủ âm, Vietnam Airlines và Gỗ Trường Thành sẽ phải chuyển xuống giao dịch ở thị trường UPCoM. Ở UPCoM hiện có sẵn 20 công ty đang âm vốn.

Thực tế, thị trường chứng khoán chưa ghi nhận trường hợp được duy trì niêm yết cổ phiếu đối với những doanh nghiệp kinh doanh âm vốn. Nếu Vietnam Airlines được đặc cách duy trì niêm yết cổ phiếu ở HOSE bất chấp vốn chủ sở hữu âm, đây sẽ là trường hợp đầu tiên.

Như vậy, điều này có tạo tiền lệ để những những doanh nghiệp khác như Gỗ Trường Thành cũng xin cơ chế để không bị hủy niêm yết?

Không chỉ Gỗ Trường Thành, nhiều doanh nghiệp khác đã buộc phải rời khỏi HOSE trong đầu năm nay vì không đảm bảo quy định niêm yết như CTCP Đầu tư và Phát triển Nhà đất COTEC (Mã: CLG), CTCP An Trường An (Mã: ATG) .... Nếu những công ty này cũng đòi đặc cách để được niêm yết trở lại thì có nên đồng ý hay không?

Không thể lấy ra lý do, Vietnam Airlines là một doanh nghiệp đặc thù của Nhà nước nên được ưu tiên và có cơ chế riêng. Như vậy thì mọi quy định chung sẽ bị phá vỡ, môi trường kinh doanh bình đẳng sẽ không còn.

Tuấn Thuỷ

Xem thêm

Liên kết