Tảo lam thải độc vào không khí khi nở hoa

Sự phát triển quá mức của tảo lam hay còn gọi là hiện tượng "tảo nở hoa", đã gây ra mối nguy hại cho hệ sinh thái khi gây ra tình trạng thiếu oxy và giải phóng các độc tố cyanotoxin.
Cấp thiết 'giải cứu' nước hồ TâyPhương án bổ cập nước hồ Tây làm sạch sông Tô Lịch lộ nhược điểm?Hà Nội làm rõ việc xả nước hồ Tây vào sông Tô LịchNước biển ấm lên - mối nguy hiểm đối với hệ sinh thái đại dương

Các nhà vi sinh vật vừa công bố phát hiện mới liên quan đến tảo lam: một lượng lớn chất độc anatoxin-a gây co giật và suy hô hấp do loài tảo này tạo ra khi nở hoa không chỉ nhiễm vào nước mà còn lan truyền trong không khí.

tm-img-alt
Tảo lam - một loại tảo độc thường xuất hiện trong các ao nuôi cá, thực chất đây là vi khuẩn lam có khả năng quang hợp và chúng có cấu trúc gần với vi khuẩn hơn là tảo.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lake and Reservoir Management hôm 2/4, một nhóm các nhà vi sinh vật lần đầu tiên báo cáo về sự hiện diện của anatoxin-a (ATX) trong lớp không khí ngay trên mặt của những cây tảo lam nở hoa.

Nhóm nhà vi sinh vật đã nghiên cứu các mẫu không khí phía trên mặt hồ Capaum Pond ở bang Massachusetts (Mỹ), nơi thường xuyên xảy ra hiện tượng tảo nở hoa và đo được nồng độ ATX lên tới 21 nanogram trên mỗi miligram không khí.

tm-img-alt
Tảo lam sống ở cả môi trường nước ngọt và nước mặn. Những sinh vật quang hợp cực nhỏ này cung cấp thức ăn cho cá và đóng vai trò quan trọng trong chuỗi thức ăn.

Tảo lam (Cyanobacteria) - như chúng ta vẫn thường hay gọi - thực ra là vi khuẩn lam có khả năng quang hợp và chúng có cấu trúc gần với vi khuẩn hơn là tảo. Tốc độ phát triển của tảo lam chậm hơn các loải tảo khác. Ở nhiệt độ lớn hơn 25 độ C, hầu hết các loài tảo lam có tốc độ phát triển cực đại. Khác với các loài tảo khác là thức ăn cho phiêu sinh động vật trong chuỗi thức ăn, tảo lam không bị tấn công bởi phiêu sinh động vật mà chúng bị tấn công bởi vi khuẩn và virus, khả năng tự phục hồi quần thể của tảo lam cũng cao hơn các loài tảo khác, chính vì thế, mặc dù có tốc độ phát triển chậm nhưng tảo lam rất khó bị tiêu diệt và phát triển bền vững hơn.

tm-img-alt
Khi gặp điều kiện thuận lợi, sự phát triển quá mức của chúng - còn được gọi là tảo nở hoa - có thể ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái vì gây ra tình trạng thiếu oxy và giải phóng các độc tố cyanotoxin.
tm-img-alt
Anatoxin-a (ATX) là một trong những chất cyanotoxin nguy hiểm được tạo ra bởi hiện tượng tảo nở hoa. Các nghiên cứu trước đây cho thấy nó chỉ được vi khuẩn lam giải phóng vào môi trường nước, gây ra cái chết của sinh vật thủy sinh hoặc động vật trên cạn uống nước từ các nguồn chứa độc tố này.

Điều này có nghĩa là ATX đã có trong không khí. Tuy nhiên các nhà vi sinh vật chưa chắc chắn được cách thức chất độc này xâm nhập vào không khí: do gió thổi làm chất độc dưới nước bốc hơi lên bề mặt hay do chính bản thân những cây tảo lam đã thải chất độc ra không khí.

Các nghiên cứu trước đây cho thấy tảo lam khi nở hoa sẽ phát ra chất độc nhưng chỉ giải phóng trong môi trường nước dẫn đến cái chết của các sinh vật thủy sinh và thậm chí cả động vật trên cạn khi uống nước ở nguồn có tảo lam. Đây là lần đầu tiên các nhà vi sinh vật ghi nhận chất độc này cũng có trong không khí.

Cho dù nguyên nhân là gì thì phát hiện này cũng đang được giới khoa học hết sức lưu tâm. Vì ATX là một trong những chất độc cyanotoxin rất nguy hiểm, có tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh, gây co giật cơ và liệt hô hấp cho người và động vật hít phải. 

Việc ATX phát tán trong không khí cũng khiến khả năng nghiên cứu, khống chế chất độc này của con người trở nên khó khăn hơn. Và tại các vùng biển Việt Nam có hơn 70 loài tảo, vi khuẩn lam gây độc.

tm-img-alt
ATX còn được mệnh danh là "chất độc gây ra cái chết nhanh" vì nó tác động trực tiếp lên các tế bào thần kinh như một loại chất độc thần kinh, dẫn đến co giật cơ và liệt hô hấp.

Đề xuất một số giải pháp

Có rất nhiều biện pháp khống chế tảo lam khác nhau, bằng cơ học, hóa chất và sinh học. Vì vậy, cần thiết lập hệ thống giám sát, quan trắc, cảnh báo chất lượng nước và hiện tượng tảo nở hoa, đặc biệt là đối với hiện tượng thủy triều đỏ.

Tập huấn, hướng dẫn cho nhân dân, cán bộ các địa phương ven biển, đặc biệt là ngư dân và lực lượng kiểm ngư, cán bộ ngành hải sản, các cơ sở nuôi trồng hải sản… để nhận biết, phát hiện hiện tượng tảo nở hoa và thủy triều đỏ, kịp thời thông báo cho các chính quyền và các cơ quan chức năng. Tuyên truyền về việc không ăn các hải sản bị chết tại vùng có thủy triều đỏ để tránh nhiễm độc tố từ một số loài tảo đã xâm nhập vào các hải sản. Xử lý nghiêm minh những người cố tình vi phạm, buôn bán các hải sản đã chết vì nhiễm độc tại vùng thủy triều đỏ.

Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố môi trường có thể gây nên các hiện tượng này như nguồn dinh dưỡng cung cấp cho thủy vực. Nếu để nguồn chất thải chảy vào các thủy vực mà chưa xử lý đảm bảo cũng có thể là một nguyên nhân gây ra hiện tượng tảo nở hoa.

Đảm bảo cho sự lưu thông của nước tại các thủy vực nước ngọt (ao, hồ, sông, suối…) để tránh tình trạng nước đọng, tích tụ các chất dinh dưỡng làm tảo phát triển mạnh. Khi tảo đã nở hoa ở một số ao, hồ mà nguồn nước thông với sông thì có thể thay nước.

Ngoại trừ các biện pháp sinh học và vật lý, các biện pháp hóa học thường đưa đến kết quả là tảo chết hàng loạt gây ra tình trạng biến động chất lượng nước. cần tính toán kỹ lưỡng để tránh ảnh hưởng tới nguồn nước và diệt luôn cả tảo có lợi.

Thanh Thúy
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường