Tập đoàn Lộc Trời nói gì về thông tin cung cấp phân bón giả tại Bình Phước?

Trong thông cáo phát đi, Tập đoàn Lộc Trời khẳng định sản phẩm mình cung cấp đều đạt chất lượng theo quy định.
Loay hoay xử lý tro xỉ tại nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1Thúc đẩy tiềm năng phân bón hữu cơ

Mấy ngày qua, thông tin về việc cơ quan chức năng phát hiện phân bón giả do Tập đoàn Lộc Trời cung ứng tại tỉnh Bình Phước khiến nhiều người nông dân cảm thấy lo lắng. Theo đó, sản phẩm bị cho giả là loại phân bón lá hữu cơ khoáng HI-POTASSIUM C30 của Tập đoàn Lộc Trời. Sản phẩm này bị phát hiện tại một đại lý bán phân bón có địa chỉ tại ấp 3 (xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước).

Ngày 23/6, Tập đoàn Lộc Trời có thông cáo báo chí, chính thức lên tiếng về sự việc trên. Tập đoàn Lộc Trời cho biết, sau khi nhận được thông tin đã nhanh chóng thực hiện các bước tìm hiểu, xác minh thông tin một cách cẩn trọng từ phía cơ quan chức năng.

tm-img-alt
Tập đoàn Lộc Trời khẳng định sản phẩm này có đầy đủ hồ sơ sản phẩm, hồ sơ sản xuất, hồ sơ công bố và quyết định lưu hành, đạt chất lượng theo quy định. 

Về phân bón lá hữu cơ khoáng HI-POTASSIUM C30, sản phẩm này có xuất xứ từ Australia. Đây là sản phẩm do Tập đoàn Lộc Trời nhập khẩu, đóng chai tại Nhà máy thuốc BVTV Châu Thành, và phân phối tại hệ thống đại lý trên toàn quốc. Phân bón lá hữu cơ khoáng HI-POTASSIUM C30 được phân phối bởi 150 đại lý cấp 1 và 2.000 đại lý cấp 2 trên khắp cả nước.

“Sản phẩm này có đầy đủ hồ sơ sản phẩm, hồ sơ sản xuất, hồ sơ công bố và quyết định lưu hành, bao gồm: Chứng nhận lô sản phẩm phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; Quyết định lưu hành do Cục Bảo vệ thực vật chứng nhận tại văn bản số 564/QĐ-BVTV-PB ngày 13/06/2018, chứng nhận cho 12 sản phẩm, trong đó có sản phẩm phân bón lá hữu cơ khoáng HI-POTASSIUM C30; Quy trình kiểm tra và thử nghiệm – Nhà máy Thuốc BVTV Châu Thành; Hồ sơ công bố sản phẩm Phân bón lá Hữu cơ khoáng HI-POTASSIUM C30)”, Tập đoàn Lộc Trời khẳng định.  

Cũng theo tập đoàn này, việc một số thông tin cho rằng phân bón lá hữu cơ khoáng HI-POTASSIUM C30 của Tập đoàn Lộc Trời được sản xuất ngày 3/7/2020, có hạn sử dụng 2 năm là phân bón giả; Cơ quan chức năng xử phạt cơ sở kinh doanh 2 hành vi: Kinh doanh phân bón có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng: PBG và hành vi kinh doanh sản phẩm có nhãn phân bón là không đúng bản chất, sự thật.

Bởi ngay khi được phản ánh về thông tin nêu trên, Tập đoàn Lộc Trời đã làm việc với các cơ quan hữu quan của tỉnh Bình Phước để tìm hiểu tổng thể vụ việc.

Trong buổi làm việc trực tiếp với Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước ngày 16/6/2021, Tập đoàn Lộc Trời được thông báo vụ việc trên xảy ra vào tháng 11 –12/2020. Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cũng cho rằng đây là nội dung làm việc giữa cơ quan chức năng tỉnh với đại lý N.T, không liên quan đến Tập đoàn Lộc Trời và chưa từng gửi bất kỳ công văn nào yêu cầu tập đoàn giải trình, làm việc về nội dung trên.

Tiếp đó, ngày 18 - 19/6/2021, Tập đoàn Lộc Trời đã làm việc với đơn vị kiểm nghiệm kỹ thuật để xác minh các thông tin liên quan tới kết luận chất lượng sản phẩm. Các cơ quan chức năng xác nhận bao bì của sản phẩm ghi đúng với thông tin đăng ký.

“Chúng tôi đã rà soát và tái kiểm tra toàn bộ quy trình cùng nguyên liệu sản xuất, quy trình phân phối và chắc chắn sản phẩm của Tập đoàn Lộc Trời cung cấp đều đạt chất lượng theo quy định. Chúng tôi đã gửi công văn đề nghị làm rõ sự việc đến Sở NN&PT NT Bình Phước; gửi báo cáo đến Cục BVTV – Bộ NN&PTNT; Cục QLTT tỉnh An Giang...”, thông cáo báo chí của Tập đoàn Lộc Trời khẳng định.

Tập đoàn Lộc Trời là doanh nghiệp nông nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam ứng dụng IFRS (Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế) tích hợp với Hệ thống Quản trị SAP – Hệ thống quản trị doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tập đoàn này cũng là doanh nghiệp ứng dụng phần mềm số hóa dịch vụ trong nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, sản phẩm của Lộc Trời đạt các tiêu chuẩn khắt khe nhất thế giới: BRC, SMETA, ISO, HACCP…; Lộc Trời cũng là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt 100 điểm hoàn hảo SRP – Tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN Environment) và Viện nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) đồng sáng lập.

Minh Chuyên

Xem thêm

Liên kết