Tết của người già

Xưa nay, Tết Nguyên đán vẫn là ngày lễ cổ truyền lớn nhất của dân tộc. Tết nay, bên cạnh xu hướng về quê đón Tết của những người xa xứ, còn có xu hướng đi du lịch của những gia đình hiện đại. Thế nhưng, với những người già, Tết đến xuân về họ luôn mong mỏi con cháu trở về để cùng sắm Tết, quây quần gói bánh chưng và sum họp bên gia đình...
Hà Nội: Làng hoa Tây Tựu rộn ràng chuẩn bị mùa hoa Tết Canh TýĐồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán 2020 bảy ngàyHãy gạt đi sự bận rộn giả tạo để con được an toàn

Chỉ còn vài chục ngày nữa là Tết. Sự xô bồ cuống quýt sẽ tự động được rà phanh để chúng ta chuẩn bị giao thừa, rồi năm mới. Quỹ thời gian eo hẹp sắp bị ăn lận thêm một tuổi, trẻ không sao, người già năm trước năm sau nhìn khác hẳn.

tet cua nguoi gia
Tết xưa nghèo lắm nhưng ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng, ai cũng mong chờ. (Ảnh minh họa)

Trước Tết mấy năm trước, trời rét căm, 4 giờ sáng nghe loáng thoáng có tiếng mẹ gọi “Trí ơi”, bừng tỉnh, một cảm giác bất an. Đứng đầu cầu thang nhìn xuống, cụ bà nằm trên một vũng máu chảy theo mạch gạch lát sàn, đầu gối như muốn quỵ xuống. Trời lạnh người già ra khỏi phòng mạch máu lên não co lại gây choáng, ngã đập đầu vào đâu không biết nhưng chắn chắn đã nằm đấy cũng lâu lâu vì máu đã kịp khô.

Gọi báo hủy lịch đặt khách sạn, máy bay đi chơi miền Nam sáng hôm sau, mẹ mặt xanh rớt nằm trên giường xua tay đuổi quầy quậy “Mẹ không sao, cứ đi đi đi...”. Mẹ bao năm vẫn thế, lúc nào cũng sợ làm phiền con cái, hồi xưa còn khỏe hay cười cười nửa đùa nửa thật trách khéo thằng con mải chơi “Sau mẹ già mẹ tự vào nhà dưỡng lão ở, anh đỡ phải trông”.

Có lẽ không riêng mẹ tôi, người già hình như ai cũng khái tính, tiền tài của cải, ăn ngon cũng có cần nữa đâu. Thỉnh thoảng đưa lương biếu bà vài triệu, mẹ cười cười bảo để đấy, hôm sau lên tận giường thằng con còn ngái ngủ dúi cho thêm cả cọc buộc chun cẩn thận: “ Cậu cầm xem cần mua gì thì mua”.

Cũng Tết năm ấy, bạn già của mẹ vừa ngã đi viện mấy hôm chưa tỉnh. Con cái, các cháu dẫn nhau đi du lịch “trốn” Tết, hai ông bà già ở nhà trông nhau, bà tiện sáng mùng 2 chạy ù đâu thì có khách. Ông nghe tiếng chuông cửa sốt ruột đẩy xe lăn ra mở cửa đến bậu thang thì không phanh kịp, cả người cả xe lao qua tam cấp, ngất. Khách trèo hàng rào vào đưa đi cấp cứu.

Tết của người già khó định nghĩa, ngay cả cái việc trước Tết dăm hôm các cụ hò con cái gói bánh chưng cho các cháu xem. Nhiều nhà con cái nhăn như khỉ “Cần thì ra Quốc Hương mua, bánh ngon nhất rồi”. Tâm niệm người cũ, chuyện cái bánh chưng thời nào cũng thế, nó là biểu tượng cho những năm tháng còn bình yên của các gia đình, khi trong nhà chưa có người ốm, khi cuối năm không phải đi trốn nợ, thành viên trong nhà đủ đầy... Bánh chưng là thứ bánh làm lấy “vui” trong không khí sum vầy cả nhà mỗi người một chân một tay cùng làm.

tet cua nguoi gia
Tết đến xuân về, người già chỉ mong được sum vầy bên con cháu. (Ảnh minh họa)

Khi gói bánh chưng người ta không thể giả bộ sum vầy. Nó là thứ nghi thức truyền thống để sau này, đám lít nhít kia kìa, "tiếng Anh, tiếng Pháp, iPad thành thần" cũng biết mà nhớ mang máng rằng đã có lúc còn ông còn bà và những lúc ấm cúng gia đình... Còn thong dong để gói bánh chưng mỗi năm là trong lòng đã biết ơn, biết mọi thứ vuông vắn, biết mọi thứ còn tươi xanh. (Phan Thị Vàng Anh)

Không biết dăm chục năm nữa Tết như thế nào? Thế hệ ông con trai có đòi bỏ Tết hay gộp với Tết Tây nữa không? Liệu chúng ăn Tết với mình hay lại cũng đi biền biệt? Không có gì chắc chắn, nhưng cũng hơi mơ hồ lo rằng nó quên.

Rồi nhỡ nhà có khách, mong đủ sức khỏe ra mở cửa kèm nụ cười, lỡ người ta có hỏi con ông đâu, chắc mắt đủ tinh tường giở điện thoại xem Facebook nó đang check-in ở đâu hay là nói dối cháu nó sang nhà bạn một lát?

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Hoàng Minh Trí
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết