Theo đó, danh sách công khai thông tin về người nộp thuế có tiền nợ thuế lớn kéo dài đến hết 31-3-2023, hiện Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá đang quản lý 27 Chi cục Thuế và 01 Văn phòng Cục Thuế, với tổng số 464 doanh nghiệp nợ thuế (tổng số tiền nợ lến đến hơn 455,5 tỉ đồng).
Trước thực trạng trên, Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá đã tiến hành biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định, cụ thể là thông báo ngừng sử dụng hoá đơn đối với tất cả các doanh nghiệp nợ thuế đến hết tháng 3.
Các Chi cục Thuế có nhiều đơn vị nợ nhất là khu vực TP Thanh Hoá 141 doanh nghiệp (hơn 75 tỉ đồng), Văn phòng Chi cục Thuế 71 doanh nghiệp (232 tỉ đồng), khu vực Triệu Sơn 21 doanh nghiệp (50 tỉ đồng), khu vực Đông Sơn 13 doanh nghiệp (17 tỉ đồng). Ngược lại, các khu vực tại các huyện miền núi như Mường Lát, Quan Sơn, Lang Chánh, Ngọc Lặc, lại không có đơn vị nợ đọng thuế.
Những doanh nghiệp nợ thuế lớn phải kể đến như: Công ty CP Xây dựng HANCORP.2 (hơn 36 tỉ đồng), Công ty CP Anh Phương Sài Gòn (hơn 31 tỉ đồng), Công ty CP Xây dựng số 5 (hơn 26 tỉ đồng), Công ty CP sản xuất và thương mại Ba Lan – Bỉm Sơn (25 tỉ đồng), Công ty CP Bắc Trung Nam (hơn 15 tỉ đồng).
Để khắc phục thực trạng trên, thời gian tới Cục Thuế tỉnh Thanh Hoá sẽ tập trung triển khai một số giải pháp quản lý nợ một cách có hiệu quả và sâu sát hơn đến từng người nộp thuế, cụ thể: Tích cực phối hợp với một số cơ quan, đơn vị như Tài nguyên Môi trường nhằm xử các khoản nợ về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Sở Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; tăng cường phối hợp với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng trong việc thực hiện thu hồi nợ thuế; trích tiền từ tài khoản, phong toả tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế.
Đình Đông