Thanh long Bình Thuận 'rộng đường' chinh phục thị trường Nhật Bản

Việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín, thêm nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường quốc tế.
Bánh mì thanh long lên báo nước ngoài: Việt Nam thích nghi sáng tạo với Covid-19Giải cứu 100.000 tấn thanh long không thể sang Trung Quốc vì nCoVViệt Nam đề nghị Hàn Quốc cấp phép cho bưởi và thanh longHải quan Lào Cai hỗ trợ thông quan cho hàng trăm xe thanh long tại cửa khẩu

“Mở cửa” vào thị trường Nhật Bản

Thanh long Bình Thuận là sản phẩm thứ 2 của Việt Nam (trước đó là vải thiều Lục Ngạn) và là sản phẩm nước ngoài thứ 3 được cấp bằng chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, một thị trường rất khó tính đối với nông sản nhập khẩu.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có khoảng 33.750 ha thanh long, sản lượng thanh long đạt khoảng 700.000 tấn/năm, trong đó hơn 16.000 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và hơn 500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Toàn tỉnh hiện có 10 cơ sở đóng gói thanh long và 30 hợp tác xã thanh long liên kết xây dựng chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

Thanh long Bình Thuận 'rộng đường' chinh phục thị trường Nhật Bản - Ảnh 1
Diện tích thanh long Bình Thuận đang được mở rộng qua từng năm (Ảnh minh họa)

Việc thanh long Bình Thuận được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều cơ hội để quảng bá, mở rộng thị trường cho việc xuất khẩu thanh long Bình Thuận đến các thị trường khác.

Được biết, ngoài thanh long truyền thống vỏ đỏ ruột trắng, còn có sản phẩm chủ lực là thanh long ruột đỏ. Bên cạnh đó, cũng đã phát triển nhiều giống thanh long tím hồng, thanh long vỏ màu vàng, ruột trắng đẹp mắt với thành phần dinh dưỡng cao.

Trước đó, thanh long Việt Nam được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị hàng tỉ USD mỗi năm. Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, EU và Chile.

Tiêu chuẩn để xuất khẩu thanh long vào Nhật Bản

Nhật Bản là một thị trường khó tính nên trái thanh long vào thị trường Nhật Bản phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, trọng lượng trái phải từ 300 gram trở lên. Trái thanh long phải phù hợp với luật vệ sinh môi trường của Nhật và qua các bước kiểm dịch động thực vật trước khi vào được thị trường khó tính này.

Toàn bộ lô hàng được xử lý qua gia nhiệt để loại bỏ ruồi đục quả và tăng chất lượng sản phẩm. Tất cả quá trình xử lý được các chuyên gia của phía Nhật Bản và Việt Nam giám sát rất chặt chẽ.

Thanh long Bình Thuận 'rộng đường' chinh phục thị trường Nhật Bản - Ảnh 2
Thanh long Bình Thuận chinh phục thị trường Nhật Bản. (Ảnh minh họa)

Ông Biện Tấn Tài - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cùng các đơn vị liên quan cung cấp thông tin thị trường, hàng rào kỹ thuật trong thương mại đối với hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó cũng cung cấp thông tin xu hướng tiêu dùng của người Nhật Bản đối với hàng nông sản, thực phẩm để doanh nghiệp kịp thời nắm thông tin, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và tuân thủ theo đúng quy trình trồng và sản xuất, bảo quản thanh long, đảm bảo chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long vào thị trường Nhật”.

Ngoài ra, việc tập trung tập huấn, phổ biến cho người sản xuất, doanh nghiệp các tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, xuất khẩu thanh long đáp ứng yêu cầu cũng sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, các doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, mở rộng thị trường, gặp gỡ các nhà nhập khẩu tiềm năng để từ đó điều chỉnh chiến lược để phát triển cho phù hợp.

Thanh long Bình Thuận hiện được định hướng phát triển theo hướng tập trung phát triển sản xuất thanh long đi vào chất lượng để phát triển bền vững. Bình Thuận đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu thanh long từ 50-60 triệu USD vào năm 2025. Việc xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý “thanh long Bình Thuận” là một chiến lược tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm này trên các thị trường nước ngoài.

Thu Hà