Thế giới đang đối mặt với 'cơn sóng thần' rác thải điện tử

Với sự phát triển của ngành công nghệ chóng mặt như hiện nay rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. Đây là mối đe dọa hàng đầu cho môi trường và sức khỏe con người.
Rác thải điện tử nguy hại cho môi trườngBộ TN&MT đưa ra lời giải cho bài toán rác thải điện tử, rác thải nhựaRác thải điện tử và những nguy hại khó lườngLượng rác thải điện tử tăng kỷ lục chưa từng thấy

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, các thiết bị điện tử được sản xuất ngày càng nhiều, phục vụ đắc lực cho nhu cầu thiết yếu của con người. Với khối lượng sản xuất và xử lý ngày càng lớn các thiết bị điện tử, thế giới đang phải đối mặt với “cơn sóng thần về rác thải điện tử”.

Theo đánh giá của các chuyên gia Liên Hợp Quốc, rác thải điện tử là loại rác thải phát sinh nhanh nhất, do tốc độ tiêu thụ sản phẩm điện tử cao hơn những sản phẩm khác song vòng đời sử dụng lại ngắn hơn.

Báo cáo “Giám sát rác thải điện tử toàn cầu năm 2020” mới được Liên Hợp Quốc công bố cho thấy, trong năm 2019, trên toàn thế giới có tổng cộng 53,6 triệu tấn rác thải điện tử, tăng 21% so với 5 năm trước đây. Trong đó, châu Á là nơi tạo ra nhiều nhất (khoảng 24,9 triệu tấn), tiếp đến là khu vực châu Mỹ (13,1 triệu tấn) và châu Âu (12 triệu tấn). Châu Phi và châu Đại Dương tạo ra lần lượt là 2,9 và 0,7 triệu tấn.

Với tốc độ tăng như hiện nay, nền kinh tế toàn cầu sẽ thải ra khoảng 74 triệu tấn rác thải điện tử mỗi năm sau năm 2030. Điều này khiến rác thải điện tử trở thành dòng rác thải sinh hoạt phát triển nhanh nhất thế giới, được thúc đẩy chủ yếu do tỉ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn.

tm-img-alt
Rác điện tử đang có tốc độ tăng nhanh gấp 3 lần so với các loại rác thải khác. (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, rác điện tử còn là mối đe dọa hàng đầu cho môi trường và sức khỏe con người, bởi chúng chứa những hóa chất độc hại như thủy ngân. Ước tính, mỗi năm có 50 tấn thủy ngân đi theo các thiết bị như màn hình, bóng đèn tiết kiệm năng lượng… ra bãi rác.

Ngoài ra, 98 triệu tấn CO2 cũng bị thải vào khí quyển từ những tủ lạnh và máy lạnh bỏ đi hồi năm ngoái, chiếm xấp xỉ 0,3% lượng khí thải nhà kính trên toàn cầu.

Từ đó, một lượng lớn chất thải công nghệ phát sinh, gây ra áp lực nặng nề tới môi trường. Một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Liên minh chất thải điện tử Liên Hợp Quốc, chất thải điện tử chiếm 2% lượng chất thải rắn, nhưng đóng góp tới 70% chất thải nguy hại được xử lý bằng cách chôn lấp.

Tại Việt Nam, việc xử lý rác điện tử hiện còn bất cập và chưa có được sự quan tâm đúng đắn của cả cơ quan quản lý lẫn cộng đồng xã hội.

Theo Viện Khoa học và Công nghệ môi trường - Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2010 nước ta có gần 4 triệu thiết bị điện và điện tử gia dụng bị thải, ước tính khoảng 113.000 tấn. Lượng chất thải điện tử ở Việt Nam chủ yếu phát sinh từ hộ gia đình (đồ gia dụng điện tử), văn phòng (máy tính, máy photocopy, máy fax...), các bộ sản phẩm điện tử lỗi và các thiết bị thải được nhập khẩu lậu (dạng second-hand). Ước tính đến năm 2025, riêng lượng rác thải là tivi có thể lên tới 250.000 tấn.

Tái chế rác thải điện tử đối mặt với nhiều trở ngại

Trước những con số đáng báo động mà Liên Hợp Quốc đưa ra về chất thải điện tử, Hiệp hội Chất thải rắn quốc tế (ISWA) cho biết, số lượng chất thải điện tử đang tăng nhanh hơn 3 lần so với dân số thế giới và nhanh hơn 13% so với GDP của thế giới trong 5 năm qua. Chính sự gia tăng mạnh mẽ này tạo ra những áp lực lớn về môi trường và sức khỏe, đồng thời cho thấy sự cấp thiết phải kết hợp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với nền kinh tế tuần hoàn. 

Vì vậy, mô hình kinh tế tuần hoàn được xem là cách tiếp cận tối ưu để giải quyết vấn nạn rác thải điện tử. Tuy nhiên, theo ông Michael Murphy, Phó Chủ tịch phụ trách tuân thủ vấn đề kỹ thuật và môi trường tập đoàn công nghệ Dell (Dell Technologies), việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn đối với rác thải điện tử đang gặp phải nhiều rào cản. Trong đó, chủ yếu là 4 yếu tố sau:

Thứ nhất, đó là do cấu tạo phức tạp của các loại rác thải điện tử. Theo các chuyên gia của WEF, một loại chất thải điện tử có thể chứa tới 60 nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn, khiến cho việc tái chế trở nên vô cùng nan giải.

Thứ hai, đầu ra cho nguyên vật liệu tái chế. Ngành điện tử khó có thể tạo ra một chu trình khép kín khi yêu cầu rất cao về đầu vào, đồng thời phế thải sau sử dụng cũng rất khó để xử lý. Như vậy, một sự hợp tác mang tính đa ngành là điều tối quan trọng để tái chế rác điện tử.

Thứ ba, chuỗi cung ứng của các sản phẩm điện tử được thiết kế theo hướng tuyến tính và không đơn giản để được tái định hình.

Thứ tư, người tiêu dùng nhìn chung vẫn duy trì quan điểm sản phẩm tái chế là kém chất lượng hoặc kém bền hơn so với sản phẩm sản xuất truyền thống.

Kinh tế tuần hoàn đối với ngành điện tử, dù gặp rất nhiều rào cản nhưng đang mở ra cơ hội mới trị giá gần 60 tỉ USD, chủ yếu tính theo lượng giá trị của kim loại sắt, đồng và vàng có thể thu giữ được từ rác thải điện tử. Vì vậy, cần có các giải pháp hiệu quả để thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế này. Bởi việc thu gom và tái chế rác thải điện tử một cách thích hợp là chìa khóa để bảo vệ môi trường và giảm lượng khí thải gây hại cho khí hậu.

Năm 2019, con người đã tạo ra một lượng chất thải điện tử đáng kinh ngạc, lên đến 53,6 triệu tấn, tăng 21% so với năm 2014. Đây là dữ liệu rút ra từ Global E-Waste Monitor 2020, báo cáo của Liên Hợp Quốc, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Hiệp hội Rác thải rắn quốc tế.

Con số 53,6 triệu tấn rác thải điện tử tương đương trọng lượng của 350 tàu du lịch Queen Mary 2. Trong số này, chỉ có 17,4% được thu gom và tái chế. Vanessa Forti, tác giả chính của báo cáo cho rằng, điều đáng quan ngại hơn là không chỉ số lượng ngày một tăng mà công nghệ tái chế còn không theo kịp với số lượng rác thải điện tử. Theo bà, thông điệp quan trọng là cần cải thiện tái chế.

Thùy Linh