Đặt mục tiêu duy trì tỉ lệ che phủ rừng 42% vào năm 2025
Mới đây, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường thông tin, trong 30 năm qua, diện tích rừng từ 9 triệu ha tăng lên 14,6 triệu ha. Trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha, hệ số che phủ đạt 42%, cao hơn mức bình quân thế giới (29%). Tuy nhiên, trong số 10,3 triệu ha rừng tự nhiên chỉ có 15% rừng giàu trữ lượng, 50% rừng trung bình, 35% rừng nghèo.
Từ con số này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong thời gian tới cần phải tăng hơn nữa định mức hỗ trợ để người dân tham gia bảo vệ rừng tự nhiên, để rừng ngày càng giàu về trữ lượng và đa dạng sinh học; 14,3 triệu ha rừng trồng cần được thay thế bằng cơ cấu cây rừng lâu năm, kết hợp với nhóm cây bản địa.
Theo ĐBQH Triệu Thị Thu Phương (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), những năm qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, làm tăng tỉ lệ che phủ rừng toàn quốc từ 39,7% năm 2011 lên 42% năm 2020.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy việc lồng ghép chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển ngành lâm nghiệp chưa rõ nét. Một số chỉ tiêu về trồng rừng, phân tán rừng phòng hộ chưa đạt kế hoạch. Việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả.
Được biết, Dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030 mới đây đề ra mục tiêu tỉ lệ che phủ rừng duy trì 42% vào năm 2025 và ổn định ở mức 43% vào năm 2030; Đến năm 2025 và năm 2030, số vụ vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ rừng không tăng so với năm 2020…
Trước hiện tượng thiên tai, bão lũ, sạt sở, biến đổi khí hậu và thời tiết diễn ra ngày càng khốc liệt hơn, với tần suất dày hơn, trong phiên họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới. Trong đó, cây sẽ được trồng ở các khu đô thị, tiếp tục trồng cây gây rừng, làm cho Tết trồng cây trở thành một hoạt động thực chất hơn nữa theo lời dạy của Bác Hồ.
Trồng rừng phải đi đôi với giữ rừng
Mặc dù kết quả trồng rừng trên cả nước ghi nhận những chuyển biến tích cực, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn tồn tại nạn phá rừng, làm giảm tỉ lệ độ che phủ rừng.
Trước đó, tại Hội nghị “Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất lâm nghiệp các tỉnh Tây nguyên” tổ chức tại Đắk Lắk vào tháng 6/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, năm 2019, diện tích rừng tự nhiên của các tỉnh Tây Nguyên giảm 15.753 ha, tỉ lệ che phủ rừng giảm 0,09% so với năm 2018. Trong năm 2019 và 5 tháng đầu năm 2020, toàn vùng phát hiện hơn 4.000 vụ phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.
Trong đó, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích rừng giảm nhiều nhất (11.419 ha). Chất lượng rừng của vùng này cũng suy thoái, tỉ lệ rừng trung bình, rừng giàu còn rất thấp, chỉ chiếm khoảng 18,4% (tương ứng 0,403 triệu ha); còn lại 81,6% là rừng nghèo, rừng phục hồi (1,788 triệu ha)…
Mới đây, thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Nông, trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng tỉ lệ độ che phủ rừng của tỉnh Đắk Nông giảm từ 38,8% xuống còn 38%. Trước đó, chỉ tiêu độ che phủ rừng năm 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh giao là 42%. Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 1.865 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 729 ha rừng.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, việc trồng thêm rừng, trồng thêm cây xanh để cải thiện, giữ môi trường sinh thái là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai liên tiếp như hiện nay. Tuy nhiên, song song với việc trồng nhiều cây xanh nhất có thể, chúng ta cũng cần giữ gìn diện tích rừng hiện có để tránh việc giảm tỉ lệ độ che phủ rừng xảy ra vừa qua ở một số địa phương.
Dang dở nhiều dự án trồng rừng
Giai đoạn 2015-2020, báo chí liên tục phản ánh tình trạng nhiều dự án trồng rừng bị bỏ hoang sau khi được cho thuê đất, hay các dự án kinh tế gắn mác “kết hợp trồng rừng” để tàn phá rừng. Sau khi người dân phản ánh, báo chí đưa tin, dự án mới bị đình chỉ, các cơ quan vào cuộc điều tra, xử lý.
Đơn cử như dự án trồng rừng nguyên liệu giấy tập trung của Công ty InnovGreen Nghệ An (thuộc Công ty TNHH MTV InnovGreen có chủ là người Trung Quốc) trên diện tích 978,5 ha đất rừng tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ ngày 25/6/2007, có quyết định cho thuê đất từ ngày 28/5/2009, được phê duyệt với phương thức đầu tư chủ yếu là hỗ trợ cho vay vốn, kỹ thuật để người nông dân trồng rừng nguyên liệu phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu của nhà đầu tư. Thế nhưng, chủ trương này đã không thực hiện được.
Sau khi tự trồng keo trên diện tích 294 ha đã thuê vào năm 2010, InnovGreen bỏ cuộc, diện tích đất còn lại bỏ không gần 10 năm qua và theo báo cáo của UBND huyện Quế Phong, số cây sống sót hiện còn rất ít, UBND huyện Quế Phong đang đề nghị thu hồi diện tích đất rừng đã cho InnovGreen thuê vào năm 2009.
Tính đến tháng 6/2019, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 195 dự án đầu tư liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp bị thu hồi toàn bộ, hoặc một phần. Nguyên nhân do các doanh nghiệp không triển khai thực hiện dự án, hoặc triển khai chậm tiến độ đã được phê duyệt; không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý bảo vệ rừng trên diện tích được thuê; để rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép nhưng không có biện pháp ngăn chặn; doanh nghiệp tự nguyện trả lại dự án…
Tại tỉnh Bình Phước, trong năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ra quyết định đình chỉ dự án chăn nuôi kết hợp trồng rừng do Công ty Cao su Sông Bé quản lý. Dự án có diện tích 353,8 ha tại tiểu khu 69, Nông lâm trường Bù Đốp, huyện Bù Đốp. Trong quá trình thực hiện, người dân phản ánh dự án phá hơn 575 hesta rừng để chăn nuôi. Tại hiện trường khoảnh 1, tiểu khu 69, diện tích rừng đã bị phá gần hết. Số lượng gỗ vẫn đang còn ngổn ngang, đa số đã có dấu mộc...