Ngày 2/10/2015, SCIC đã tổ chức đấu giá trọn lô gần 1,5 triệu CP Công ty Dược – Vật tư Y tế Thanh Hóa với giá khởi điểm là 18.000 đồng mỗi cổ phần. Sau đợt đấu giá trên, một nhà đầu tư cá nhân đã bỏ ra 34 tỉ đồng để thâu tóm toàn bộ số cổ phần mà SCIC mang ra đấu giá với giá trúng bình quân 23.100 đồng/cp. Bắt đầu từ năm 2017, nhóm nhà đầu tư mới bắt đầu tham gia trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh tại công ty.
Nhà máy sản xuất Dược - Vật tư y tế Thanh Hóa. |
Tại thời điểm 31/12/2017, cơ cấu cổ đông của công ty có nhiều thay đổi. Theo đó, ông Trần Thanh Minh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc công ty và vợ đã sở hữu trên 51% cổ phần tại Thephaco. Dưới sự điều hành của tân Tổng Giám đốc, một nhà đầu tư không có chuyên môn về ngành Dược, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp liên tục lao dốc. Bên cạnh kết quả kinh doanh yếu kém, năm sau thụt lùi so với năm trước, nhiều vấn đề nổi cộm, bất thường trong việc điều hành doanh nghiệp xuất hiện.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 vừa qua, công ty đã thông qua việc giảm số lượng thành viên HĐQT từ 5 thành viên xuống còn 3 thành viên. Đáng chú ý, nội dung thay đổi thành viên HĐQT này không có trong chương trình đại hội được gửi cho các cổ đông trước đó. Việc thay đổi này là nội dung phát sinh và được thực hiện ngay tại Đại hội.
Theo đó, HĐQT đã miễn nhiệm 3 thành viên và bầu bổ sung ông Trần Văn Công, cổ đông ngoài công ty tham gia HĐQT. Theo Quyết định số 09-2019/QĐ-HĐQT ngày 8/5/2018, ông Trần Văn Công được HĐQT bầu làm Chủ tịch HĐQT. Được biết ông Trần Văn Công là người nhà có mối quan hệ ruột thịt với cổ đông lớn, Tổng Giám đốc công ty Trần Thanh Minh. Nhiều người cho rằng, động thái này là toan tính của nhóm cổ đông lớn từ trước, loại bỏ những nhà đầu tư khác, đưa người thân vào HĐQT để dễ bề thao túng toàn diện mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Một chi tiết rất đáng lưu tâm là việc ông Trần Văn Công, tân Chủ tịch của Thephaco đang tham gia điều hành tại 2 doanh nghiệp khác. Tại Công ty Cổ phần Liên hiệp thực phẩm có mã giao dịch chứng khoán là FCC, ông Trần Văn Công cũng là Chủ tịch HĐQT. Năm 2016, công ty này có doanh thu 33 tỉ đồng, lợi nhuận 2,5 tỉ đồng. Gần đây dưới sự điều hành của ông Công, doanh thu và lợi nhuận liên tục đi xuống. Năm 2017 doanh thu là 23 tỉ đồng, lỗ 11 tỉ đồng. Năm 2018 doanh thu hơn 20 tỉ đồng, lỗ 5,2 tỉ đồng. Mới đây, doanh nghiệp này còn bị Cục Thuế Hà Nội truy thu và phạt hơn 5 tỉ đồng.
Tại Công ty Cổ phần thương mại Hà Tây có mã giao dịch chứng khoán là HTT, ông Trần Văn Công là cổ đông lớn và đồng thời là thành viên HĐQT. Năm 2016, doanh nghiệp này có tổng doanh thu 291 tỉ đồng, lợi nhuận 16 tỉ đồng; đến năm 2018 chỉ còn 51 tỉ đồng và lỗ 23 tỉ đồng.
Theo nhận định của nhiều cổ đông, tình hình kinh doanh của Thephaco cũng không khác là bao so với 2 công ty ông Trần Văn Công tham gia đầu tư và điều hành. Nguy cơ thất thoát cũng như khả năng kinh doanh ngày một sa sút không phải là không có cơ sở. Khi đó, một doanh nghiệp từng là anh hùng lao động thời kỳ đổi mới có thể chỉ còn trong câu chuyện của những người đã gắn bó cùng Thephaco suốt cả cuộc đời.