Thiên tai đã 'thổi bay' hơn 112 tỉ đồng chỉ trong 5 tháng

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính về giá trị khoảng 112 tỉ đồng.
Chủ tịch nước gửi thư nhân Ngày truyền thống phòng, chống thiên taiThiên tai khiến hàng triệu người phải di cư mỗi nămNhìn lại những thiên tai khốc liệt năm 2020

Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 37 trận động đất nhẹ, 83 trận mưa đá, dông lốc, sét, riêng trong tháng 5/2021, đã xảy ra 50 trận dông lốc, sét rải rác tại 25 tỉnh/TP trên cả nước; 5 đợt không lạnh, gió mùa đông bắc, trong đó, đợt rét đậm, rét hại mạnh nhất từ ngày 7 - 13/1/2021; 7 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó, 2 trận lũ ống, lũ quét và 13 vụ sạt lở bờ sông.

Thiên tai từ đầu năm đã làm 19 người chết, 26 người bị thương; 46 nhà sập đổ hoàn toàn, 3.988 nhà bị hư hỏng, tốc mái, di dời khẩn cấp; 3.895 gia súc, gia cầm bị chết; 30.874 ha lúa, rau màu và 203 ha cây ăn quả bị thiệt hại; 1.453m đường giao thông sạt lở; 15.945 m3 đất đá, bê tông. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 112 tỉ đồng.

tm-img-alt
Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2021, thiên tai đã gây thiệt hại ước tính về giá trị khoảng 112 tỉ đồng. (Ảnh minh họa)

Nhận định về tình hình thiên tai thời gian tới, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng số lượng bão và ATNĐ trong năm 2021 trên Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ở mức tương đương so với trung bình nhiều năm (TBNN). Theo đó, sẽ có khoảng 12-14 cơn bão và ATNĐ, trong đó có khoảng 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.

Từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2021, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Bão và ATNĐ khả năng sẽ ảnh hưởng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ tháng 7-9/2021 và ảnh hưởng các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 9 - cuối năm.

Theo dự báo, nắng nóng xảy ra tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ nửa cuối tháng 5-8, có xu hướng tăng hơn trong tháng 7-8, tuy nhiên, không gay gắt và kéo dài như năm 2020. Không khí lạnh có xu hướng bắt đầu hoạt động từ tháng 10 và gia tăng tần suất và cường độ trong tháng 11/2021. Mưa lớn có khả năng xảy ra dồn dập trong các tháng 10 và 11/2021 ở các tỉnh miền Trung, đặc biệt ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người ở các tỉnh ven biển đang phải chịu ảnh hưởng từ nguy cơ của các trận bão lũ nặng nề và hơn 35% nhà ở hiện đang nằm ở các khu vực ven biển bị xói mòn.

Trung bình mỗi năm có tới 852 triệu USD - tương đương 0,5% GDP và 316.000 việc làm trong các lĩnh vực kinh tế chủ chốt bị ảnh hưởng do nguy cơ lũ lụt ven sông và ven biển. Cùng đó, các cơ sở hạ tầng và các cơ sở công cộng cũng đứng trước các nguy cơ này, có nghĩa là việc cung cấp dịch vụ có thể bị gián đoạn trong những thời điểm cần thiết nhất.

Ngập lụt nghiêm trọng đang ảnh hưởng trực tiếp tới 26% số bệnh viện công và trạm xá cùng 11% các trường học trong khu vực. Hơn 1/3 lưới điện của Việt Nam được đặt tại các khu vực trong rừng, do đó đứng trước nguy cơ bị hư hỏng khi cây đổ do bão.

Theo đánh giá của các chuyên gia, khu vực kinh tế biển Việt Nam ngày càng hứng chịu nhiều thiên tai, gây ra những thiệt hại về người và kinh tế nhưng các biện pháp quản lý rủi ro hiện nay là chưa đủ.

Hà Lan