Chiều 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Nhắc đến sự cố nước sạch sông Đà, ô nhiễm không khí ở 2 thành phố lớn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc đặt câu hỏi: “Thở, ăn, uống, đều nguy hiểm thì chất lượng cuộc sống có thực sự tăng cao?”.
Theo Zing, Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng, ô nhiễm vẫn tiếp diễn và hỏi Chính phủ đã thực sự vào cuộc xử lý quyết liệt vấn đề ô nhiễm hay chưa. Bà Phúc cũng nêu ví vụ về sự ô nhiễm tại hệ thống sông Bắc Hưng Hải đang nghiêm trọng cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, bệnh viện, làng nghề, cơ sở sản xuất,…
“Kiến nghị Thủ tướng khuyến khích ngành công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải; tăng chế tài xử lý ô nhiễm; có cơ chế liên kết vùng với vấn đề này”, bà Phúc nói.
Ô nhiễm không khí đáng báo động ở Hà Nội và TP.HCM. |
Cũng tại phiên thảo luận chiều ngày 31/10, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho biết sự cố liên quan đến xả thải của doanh nghiệp ra biển, sông gây thiệt hại hàng tỉ đồng cho người dân khai thác thủy sản và làm nghề nuôi trồng thủy sản.
“Sự cố dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước cấp cho nhà máy nước ở Hà Nội vừa qua… cho thấy công tác quản lý Nhà nước đối với nguồn nước ngọt còn nhiều sơ hở, ẩn chứa nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khỏe của người dân”, ông Giang nói.
Đại biểu Giang đặt câu hỏi sẽ ra sao nếu vừa rồi, chất gây ô nhiễm không phải là dầu mà là một loại hóa chất độc hại khác.
Ông Giang kiến nghị Chính phủ tiến hành quy hoạch liên quan đến nguồn nước lưu vực sông theo Luật Quy hoạch để đảm bảo chất lượng nguồn nước. Bên cạnh đó, kiểm tra các địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan đến nhà máy nước trên cả nước.
Trong phiên thảo luận chiều 30/10, nhiều đại biểu cũng đặt ra câu hỏi liên quan đến môi trường bị ô nhiễm. Cụ thể, nhắc đến vấn đề môi trường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, thời gian qua rất nhiều vấn đề môi trường đã xảy ra. Tình hình ô nhiễm không khí, đặc biệt ở thành phố lớn đã đạt mức báo động đỏ. Nguồn khí thải độc hại không phải chủ yếu từ các phương tiện giao thông đường bộ, mà 75% là từ các nguồn thải khác.
Chính vì vậy, ông Hiếu cho rằng cần sự can thiệp chính sách, sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương mới có khả năng khắc phục vấn đề này. Không thể cải tạo môi trường không khí chỉ bằng những biện pháp đơn lẻ mà cần có sự vào cuộc thực sự của các cơ quan chức năng.
Chúng ta đã có quỹ bảo vệ môi trường nhưng hoạt động của quỹ này vẫn là dấu hỏi lớn cho cử tri. Liệu chúng ta có thể đưa tiêu chí rất cụ thể về cải thiện chất lượng không khí năm sau không xấu hơn năm trước? Ông Hiếu đặt vấn đề.
Vị đại biểu An Giang cũng đề cập, vừa qua, vấn đề nước sạch đã tạo nên hình ảnh rất "đặc biệt": Thủ đô Hà Nội như thời bao cấp. Người dân đi xếp hàng lấy nước. Sự việc này làm lộ ra một sự lỏng lẻo trong việc quản lý nguồn nước đã tạo ra nhiều khe hở để những kẻ không có lương tâm luồn lách, thu lợi trên sức khỏe người dân. Cần rà soát lại các văn bản pháp luật đã ký, các công ty cấp nước đã cổ phần hóa để đảm bảo nguồn nước trên phạm vi cả nước, ông Hiểu thể hiện quan điểm.
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng báo động tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường được tổ chức vào ngày 14/10 vừa qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm nay có khác thường so với mọi năm và ô nhiễm cục bộ tăng lên.
Cụ thể, tại Hà Nội, trong khoảng thời gian từ ngày 12-29/9/2019, nồng độ bụi PM2.5 đều có xu hướng tăng. Đặc biệt, từ 15-17/9 và 23-29/9 có thời điểm tăng hơn 75% giá trị PM2.5 trung bình 24 giờ đều vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng Chín cũng là thời điểm giao mùa, nên chất lượng không khí cũng có những diễn biến theo chiều hướng xấu. Tổng hợp kết quả quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường và trạm quan trắc tự động của Lãnh sự quán Mỹ tại đây cho thấy từ ngày 1-23/9/2019 có sự gia tăng mạnh mẽ nồng độ bụi PM2.5 trong không khí.
Không chỉ ô nhiễm không khí, sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu hay cháy Nhà máy Rạng Đông vừa qua cũng khiến cuộc sống hàng ngàn hộ dân Hà Nội bị ảnh hưởng.