Tại các trạm quan trắc không khí nền đô thị như Chi cục Bảo vệ Môi trường, Kim Liên, Tân Mai, Mỹ Đình và Tây Mỗ, trong tuần AQI có xu hướng xấu hơn so với tuần trước.
Cụ thể trạm Chi cục Bảo vệ Môi trường có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 14.3%, 2 ngày ở mức kém; còn lại đều có chất lượng không khí ở mức trung bình. 2 trạm Kim Liên và Mỹ Đình có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 14.3%, còn lại đều ở mức trung bình. Cuối cùng là trạm Tân Mai có 2 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 28.6%, còn lại ở mức trung bình. Trạm Tây Mỗ có 3 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 42.9%; còn lại đều ở mức trung bình.
Tại 2 điểm quan trắc chất lượng không khí giao thông tại Ủy ban nhân dân phường Minh Khai và Phạm Văn Đồng, là 2 khu vực chịu nhiều tác động từ các phương tiện giao thông. Tuần này chỉ số AQI tăng lên so với tuần trước.
Cụ thể, trạm Minh Khai có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 14.3%, 2 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 28.6%; còn lại đều ở mức kém. Trạm Phạm Văn Đồng có 2 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 28.6%; còn lại đều ở mức kém. Chỉ số chất lượng không khí cao nhất tại 2 trạm Minh Khai và Phạm Văn Đồng trong tuần lần lượt là 130 - 120.
Đối với các trạm quan trắc nội đô như Hoàn Kiếm, Hàng Đậu và Thành Công, của chất lượng không khí tuần này cũng có xu hướng xấu đi so với tuần trước. Cụ thể, trạm Hoàn Kiếm có 1 ngày chất lượng không khí ở mức tốt chiếm 14.3%, còn lại đều ở mức trung bình. Trạm Hàng Đậu có 3 ngày chất lượng không khí ở mức trung bình chiếm 42.9%; còn lại đều ở mức kém. Trạm Thành Công có 2 ngày chất lượng không khí ở mức kém chiếm 28.6%; còn lại đều ở mức trung bình.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, trong tuần vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội về cơ bản vẫn là thời tiết ảnh hưởng đến chất lượng không khí. Cụ thể, vào đầu tuần và cuối tuần trời âm u, xuất hiện các lớp sương mù và do ảnh hưởng của phương tiện tham gia giao thông, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, điều này làm cho các chất ô nhiễm không được khuếch tán, dẫn đến chất lượng không khí có xu hướng xấu đi.
Tuy nhiên vào giữa tuần chất lượng không khí tại các trạm lại tốt lý do là xuất hiện mưa trên Thành phố do ảnh hưởng của cơn bão số 10, điều này làm cho chất lượng không khí được cải thiện hơn đầu tuần và cuối tuần.
Theo TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), từ tháng 11/2020 đến tháng 3-4/2021, sẽ có nhiều ngày không khí ô nhiễm nặng, tức là chỉ số chất lượng không khí AQI sẽ có màu đỏ, thậm chí là màu tím. Mùa hè sẽ đỡ hơn vì có nắng to và gió để không khí khuếch tán.
Không chỉ ở Hà Nội, chất lượng không khí của rất nhiều tỉnh, thành phố của miền Bắc và miền Trung ô nhiễm có hại cho sức khỏe.