Bờ biển Vinh Hải đang sạt lở từng ngày, rừng phòng hộ thì dần mất đi. (Ảnh chụp cuối năm 2019) |
Sạt lở nghiêm trọng
Khoảng 10 năm qua, người dân xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn có một nỗi lo sợ thường trực là biển sẽ “nuốt” đất và nhà không sớm thì muộn. Bởi hàng năm đến mùa mưa bão, bờ biển Vinh Hải lại bị sóng đánh dữ dội khiến nhiều diện tích đất không còn.
Càng về những năm gần đây, sạt lở có chiều hướng nghiêm trọng. Đặc biệt vào cuối năm 2016, do ảnh hưởng của mưa bão, cùng với triều cường, sóng to đã đánh sụp, mở một cửa biển dài khoảng 30m. Riêng vào mùa mưa bão năm nay, thời tiết ở Huế khá ổn định nhưng ở Vinh Hải vẫn tiếp tục bị sạt lở.
Nhớ lại trong đầu năm 2019, có mặt thưc tế tại Vinh Hải, PV nhận thấy rằng bờ biển nơi đây bị sạt lở nặng với chiều dài khoảng 3km, biển xâm thực vào đất liền từ 5m đến 7m. Một số đoạn bờ biển bị san phẳng nên sóng tràn qua tuyến tỉnh lộ 21 gần đó, đe dọa vườn trồng hoa màu và ao hồ nuôi trồng thủy sản của dân. Nhiều điểm sạt lở ăn sâu vào khu dân cư, uy hiếp nhà cửa.
Sóng đánh tan hoang nhà cửa của người dân |
Các hàng quán phục vụ khách tắm biển bị sóng đánh tanh bành khiến nhiều nền móng bị hư hỏng nặng, lộ rõ cả hàm ếch. Những hàng phi lao cao lớn với gốc cây chừng 50cm, rễ bám chặt vào đất cũng nằm chỏng chơ cạnh chân sóng.
“Quán của tôi mở ra năm nào mưa gió cũng bị sóng đánh tan tành. Hồi trước, bờ biển ra tận ngoài xa, phải hơn 200 mét nhưng sóng biển mỗi năm gây ra sạt lở rồi lấn vào tận đây, không biết vài năm nữa sẽ ra sao. Nếu cơ quan chức năng không sớm xây kè bảo vệ bờ biển thì thời gian tới chắc vườn tược và nhà cửa nơi đây sẽ bị cuốn trôi hết cho coi…” - bà Huỳnh Thị Hoa (70 tuổi, xã Vinh Hải) nói.
Ông Nguyễn Hữu - Chủ tịch UBND xã Vinh Hải bày tỏ, sống ở vùng sạt lở mới biết hết nỗi lo lắng của người dân. Năm nay ít mưa bão nên tình trạng sạt lở bờ biển tại Vinh Hải cứ nghĩ sẽ giảm, thế nhưng bờ biển tiếp tục bị xâm thực, sạt lở, một số đoạn bị xâm thực sâu vào bờ. Bờ biển bị xâm thực nặng đã ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của 700 hộ dân toàn xã. Với tốc độ xâm thực nhanh như hiện nay, nguy cơ sạt lở vào đến nhà dân đang cận kề.
“Trước mùa mưa bão hàng năm, địa phương đều huy động nhân lực, phương tiện để dùng đá hộc, rọ thép xử lý khẩn cấp những điểm sạt lở nhưng khi biển động mạnh, tình trạng sạt lở tiếp tục tái diễn và càng nghiêm trọng hơn…” - ông Hữu cho hay.
Những “hàm ếch” như thế này cứ xuất hiện sau mỗi đợt mưa bão ở bờ biển Vinh Hải. |
Trao đổi với PV, ông Đặng Ngọc Trân- Bí thư huyện ủy Phú Lộc thông tin rằng, huyện đã nhiều lần cùng cán bộ địa phương đi kiểm tra tình hình sạt lở biển Vinh Hải và yêu cầu chính quyền địa phương xã cần tăng cường triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cũng như tài sản cho dân. Huyện yêu cầu địa phương chủ động di dời dân khi có mưa lũ; đồng thời sử dụng các bao cát để hạn chế tình trạng sạt lở; yêu cầu xã Vinh Hải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời khi có sự cố, tổ chức trực ban 24/24 giờ để chủ động đối phó với thiên tai...
Xây kè chống sạt lở, dân phấn khởi
Có mặt ở bờ kè Vinh Hải thời điểm này, PV cảm nhận sự vui mừng của người dân miền biển nơi đây khi nhắc đến công trình.
“Mỗi lần mưa bão là lại lo sợ vì sạt lở. Những năm qua, nhiều công trình đã được thi công nhưng lại bị sóng biển đánh sụp. Thấy các cọc bê tông lớn được đúc để thi công, người dân vui mừng lắm. Hy vọng từ nay về sau không còn lo sạt lở nữa”, ông Nguyễn Thắng (thôn 4, xã Vinh Hải) phấn khởi nói.
Đê kè Vinh Hải đang được xây dựng. |
Được biết, ngày 5/10/2019, tuyến đê kè chống sạt lở ở Vinh Hải được thi công với tổng mức đầu tư hơn 300 tỉ đồng. Kè có tổng chiều dài 2,52km, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, trên đỉnh kè kết hợp đường giao thông, tường chắn sóng. Ngoài ra, trồng bổ sung thêm rừng phi lao bị gãy đổ, khôi phục lại rừng phi lao phòng hộ phía sau đỉnh kè trong khuôn khổ chương trình phòng chống biến đổi khí hậu ven biển.
Ban Quản lý dự án đê kè chống sạt lở Vinh Hải cho biết, theo thiết kế, ở chân kè được kết cấu gồm hàng cọc ván bê tông cốt thép dựng đứng, được đúc sẵn chiều dài cọc từ 12m - 14m, đóng ngàm kẹp vào nhau liên tục, đỉnh cọc được liên kết bởi dầm mũ cọc bằng bê tông cốt thép. Phía ngoài hàng cọc hộ chân kè bằng cấu kiện bê tông, phía dưới là các lớp dăm lót và vải địa kỹ thuật. Ở phần mái kè được gia cố bằng cấu kiện tấm bê tông, phía dưới là lớp dăm lót dày và vải địa kỹ thuật. Còn ở phần đỉnh kè, bố trí dầm dọc ở đỉnh kè kết hợp làm gờ chắn; đường phục vụ công tác quản lý rộng 2m có kết cấu bằng bê tông cốt thép, phía dưới là lớp ni lông và cấp phối đá dăm. Ngoài ra, còn thi công đường nội bộ chạy dọc theo tuyến kè dài 2,563km, mặt đường rộng 3,5m bằng cấp phối đá dăm.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra đê kè Vinh Hải và yêu cầu thi công nhanh tiến độ. |
“Từ khi công trình được thi công cho đến nay, từ lãnh đạo địa phương đến từng người dân, đi đâu ai cũng vui mừng và phấn khởi. Với đê kè này, triều cường cũng sẽ được khắc phục, là điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư thêm trong nuôi trồng nông nghiệp. Sau này, các dự án du lịch ở xung quanh đây được đầu tư, tuyến đê này cũng có thể làm tuyến đạp xe hóng mát cho du khách...”, ông Hữu nói thêm.
Trong một lần kiểm tra đê kè Vinh Hải vào cuối năm 2019, ông Lê Trường Lưu - Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khẳng định, công trình đê kè chống sạt lở bờ biển nói chung và Vinh Hải nói riêng có ý nghĩa hết sức quan trọng, hướng đến đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân sống trong các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng; qua đó giúp phát triển kinh tế, cũng như chống biến đổi khí hậu.
Các hạng mục của công trình đang được thi công. |
“Tỉnh yêu cầu chủ đầu tư dự án phải tăng cường giám sát quá trình thi công, đảm bảo chất lượng của công trình, hướng đến phát huy hiệu quả lâu dài. Đảm bảo thi công đúng thời gian, nếu có thể thì đẩy nhanh hơn tiến độ, hoàn thành trước mùa mưa bão 2020 so với thời gian dự kiến vào cuối năm 2020”, ông Lưu nhấn mạnh.