Thúc đẩy thị trường carbon, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn

Phát triển kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội mà nó được kỳ vọng mang lại như: Tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, giảm tác động môi trường...
Phát triển kinh tế biển trong chiến lược quy hoạch tổng thể quốc giaUNDP tổ chức hội thảo Nâng cao năng lực chuyển đổi kinh tế tuần hoànTổng kết chương trình hỗ trợ phát triển Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam

Chuyển dịch từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn đang là xu thế chung của toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 như cam kết tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), Việt Nam phải giải bài toán vừa hướng tới một nền kinh tế carbon thấp đồng thời có tốc độ phát triển vượt bậc.

Doanh nghiệp cần nắm bắt được nguyên lý vận hành thị trường carbon

Ở Việt Nam, mô hình kinh tế tuần hoàn sơ khai đã xuất hiện từ sớm. Đó là những mô hình vườn – ao – chuồng; vườn – ao – chuồng – rừng… giúp người nông dân tận dụng chất thải làm phân bón, chất đốt. Khi đó, chưa đưa ra khái niệm kinh tế tuần hoàn nhưng người dân thực hiện rất tích cực bởi đem lại giá trị rõ rệt về kinh tế.

Thúc đẩy thị trường carbon, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn - Ảnh 1
Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả. (Ảnh minh họa)

Với việc xây dựng và vận hành thị trường carbon trong nước, Việt Nam sẽ nắm bắt được những cơ hội trong giảm phát thải carbon một cách hiệu quả, tăng khả năng tương thích với các cơ chế định giá carbon quốc tế, tạo cơ hội liên kết với thị trường carbon trên thế giới, trong khu vực cũng như tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế, theo TS. Trương An Hà, chuyên gia thuộc Tổ chức Sáng kiến về Chuyển dịch Năng lượng Việt Nam (VIETSE) cho hay.

Cùng với đó, thị trường carbon còn là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá về thị trường carbon cho rằng, thị trường carbon về nguyên lý được xây dựng dựa trên những nguyên tắc vận hành của thị trường cạnh tranh "thuận mua, vừa bán," đôi bên cùng có lợi.

Nhằm phát triển thị triển thị trường carbon và sự chủ động tham gia của doanh nghiệp, các nhà quản lý cần hoàn thiện quy định của pháp luật về phát triển thị trường này.

Việc phát triển thị trường carbon với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Do đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được nguyên lý vận hành của thị trường carbon, các quy định của pháp luật liên quan đến thị trường carbon, từ đó chủ động trong việc cân đối với năng lực và khả năng sẵn sàng của doanh nghiệp để tham gia thị trường này khi đi vào vận hành, nhất là đăng ký tham gia trên sàn giao dịch tín chỉ carbon.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, khi rất nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp. Giảm phát thải không chỉ nhằm giảm thiểu tác hại tới môi trường và hướng tới phát triển bền vững mà còn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh của quốc gia nhập khẩu.

Cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng "0" là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.

Thời điểm này, Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh, chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về dài hạn. Các doanh nghiệp cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị yếu tố về con người với đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của doanh nghiệp.

Nhằm tham gia quá trình chuyển đổi này, các doanh nghiệp cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính; chuẩn bị sẵn sàng để tham gia thị trường carbon, tăng cường hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.

Nhiều Chính phủ và các quốc gia (bao gồm các quốc gia lớn nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam) đã cam kết đưa mức phát thải ròng khí nhà kính về "0" vào năm 2050, ông Tô Xuân Phúc, Giám đốc Chương trình Quản lý tài nguyên và Chính sách thương mại thuộc Tổ chức Forest Trends cho cho hay.

Do đó, các cơ chế, chính sách trong thời gian tới sẽ tác động trực tiếp đến tất cả doanh nghiệp Việt Nam. Điều này tạo ra các cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp. Để giảm thách thức và tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần thay đổi theo hướng giảm phát thải, tăng cường các hoạt động hấp thụ khí nhà kính ngay từ bây giờ.

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ đối mặt với các thách thức như các cơ sở phát thải cao hoạt động nội địa sẽ phải thực hiện kiểm kê và bắt buộc thay đổi để đáp ứng các yêu cầu về hạn ngạch phát thải của Chính phủ trong tương lai.

Các cơ sở phát thải cao có sản phẩm xuất khẩu như sắt, thép, ximăng, nhôm... phải thay đổi nếu muốn duy trì thị trường xuất khẩu trong tương lai. Ngược lại, cam kết giảm phát thải ròng về "0" vào năm 2050 cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp, cơ sở có phát thải thấp, các nhà đầu tư cũng có thể có nguồn thu từ thị trường tín chỉ carbon.

Kinh tế tuần hoàn đem lại các giá trị to lớn, vượt ra ngoài lợi ích môi trường, có thể kể đến như tạo công ăn việc làm, tạo thị trường mới có giá trị cao, nâng cao tính minh bạch, tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp, gìn giữ và kiến tạo giá trị về văn hóa, xã hội.

Theo Viện trưởng ICED, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm với môi trường mà còn là chìa khóa nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm cơ hội kinh tế mới. Cùng với đó, các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực tưởng chừng “không liên quan” như du lịch, dịch vụ… cũng có thể tham gia vào kinh tế tuần hoàn.

Huyền Diệu

Xem thêm

Liên kết