Nội dung cơ bản của SDGs 12
Ở Việt Nam, chúng ta đang trong quá trình triển khai thực hiện SDGs theo Quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (VSDGs) ngày 10/5/2017.
Một trong những mục tiêu phát triển rất quan trọng của Việt Nam là đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững |
Đối với SDGs 12 thuộc mục (iii) Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững gồm có 9 mục tiêu cụ thể (1) Thực hiện Khung chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững theo cam kết quốc tế (Mục tiêu 12.a toàn cầu); (2) Đến năm 2030, đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản (Mục tiêu 12.2 toàn cầu); (3) Đến năm 2030, giảm một nửa chất thải lương thực tính theo đầu người và giảm tổn thất lương thực trong chuỗi sản xuất và cung ứng, bao gồm cả những tổn thất sau thu hoạch (Mục tiêu 12.3 toàn cầu);
(4) Đến năm 2020, đạt quản lý tốt vòng đời của các loại hóa chất và chất thải theo các cam kết quốc tế đã ký kết, nhằm giảm ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và tác động có hại đến sức khỏe con người và môi trường (Mục tiêu 12.4 toàn cầu); (5) Đến năm 2030, giảm đáng kể lượng chất thải phát sinh, tăng cường giá trị kinh tế của nguồn tài nguyên chất thải thông qua việc phòng ngừa, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng, thu hồi năng lượng từ xử lý chất thải (Mục tiêu 12.5 toàn cầu) (6) Khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp áp dụng các thông lệ bền vững, bao gồm công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; thực hiện trách nhiệm xã hội đối với người nghèo và nhóm dân cư yếu thế; tích hợp các thông tin về tính bền vững vào báo cáo định kỳ của mình (Mục tiêu 12.6 toàn cầu);
(7) Đảm bảo các hoạt động mua sắm công bền vững (Mục tiêu 12.7 toàn cầu); (8) Đến năm 2030, bảo đảm người dân ở mọi nơi có thông tin và nhận thức phù hợp về phát triển bền vững và cách sống hài hòa với thiên nhiên (Mục tiêu 12.8 toàn cầu); (9) Hoàn thiện các chính sách về thuế, giá đối với nhiên liệu hóa thạch và đồng thời có chính sách phù hợp nhằm bảo vệ người nghèo, những đối tượng hoặc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực có thể xảy ra (Mục tiêu 12.c toàn cầu). Với 9 mục tiêu cụ thể đã xác định của SDGs 12 trong VSDGs, những năm vừa qua Việt Nam đã triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả nhất định.
Thực hiện SDGs 12 ở Việt Nam
Việt Nam đã và đang thực hiện các hoạt động thúc đẩy công tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong nhiều năm qua. Các hoạt động cụ thể được thực hiện như sau:
Những chính sách có liên quan tới SDGs 12 đã ban hành
Quan điểm sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được quy định tại các văn bản pháp luật từ rất sớm. Việt Nam đã ký kết Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn vào năm 1999, Ban hành Kế hoạch quốc gia về sản xuất sạch hơn vào năm 2002 và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả vào năm 2010, kèm theo Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra còn có các Chiến lược phát triển có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu, giảm phát thải và bảo vệ môi trường, Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020 được ban hành vào năm 2009 với các mục tiêu cụ thể trong 2 giai đoạn đến năm 2015 và từ 2016 đến 2020.
Phát triển kinh tế luôn song hành với bảo vệ môi trường là mục tiêu của sự phát triển bền vững. |
Bên cạnh đó, quan điểm sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng là mục tiêu trọng tâm hướng tới tại Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt tại Quyết định số 432-QĐ/TTg ngày 12/4/2012. Quan trọng nhất là ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 11/01/2016. Đây là văn bản pháp lý đề ra các hoạt động liên quan trực tiếp đến công tác thực hiện SDG12 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ “cơ bản chuyển đổi được mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại theo hướng bền vững.”.
Ngày 04/6/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 681/QĐ-TTg về việc ban hành lộ trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đối với các mục tiêu SDG. SDGs 12 được quy định tổng cộng 7 chỉ tiêu kèm theo lộ trình thực hiện đến năm 2030, trong đó 4 chỉ tiêu thuộc Mục tiêu 12.2, 2 Mục tiêu thuộc chỉ tiêu 12.4 và 1 chỉ tiêu thuộc Mục tiêu 12.5.
Trong khi đó, tại Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về quy định chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam đã ban hành tổng cộng 9 chỉ tiêu thuộc SDGs 12. Các chỉ tiêu trùng lặp tại hai văn bản bao gồm: (1) Tỉ lệ diện tích phần đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản tỉ lệ 1:50.000 phần đất liền; (2) Tỉ lệ diện tích phần đất liền Việt Nam được bay đo từ phổ gamma tỷ lệ 1:50.000; (3) Tỉ lệ diện tích vùng biển và hải đảo Việt Nam được bay đo từ trọng lực tỷ lệ 1:250.000; (3) Tỉ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý; (4) Tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý.
Có thể thấy rằng, các văn bản pháp luật và chính sách, đường lối trong phát triển và sản xuất tại Việt Nam đều đã lồng ghép, kết hợp những mục tiêu chính của SDGs12. Điều này cho thấy sự nỗ lực của Đảng và nhà nước đối với mục tiêu chuyển đổ mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững thực hiện mục tiêu cụ thể đề ra tại SDGs 12 trong thời gian tới.
Những kết quả chính đạt được so với yêu cầu thực hiện SDGs 12
Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp, chiến lược SXSH đã được triển khai trên khắp cả nước, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch, chương trình triển khai Chiến lược SXSH. Với mục tiêu “90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp”, có thể nói rằng, Bộ Công thương đã thực hiện tốt mục tiêu đề ra khi chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được triển khai rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với sự tham gia của hơn 9000 doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp khác nhau như khai khoáng, sản xuất thép, công nghiệp thực phẩm và nước giải khát, công nghiệp hóa chất, xây dựng và các ngành công nghiệp chế biến khác.
|
(Còn tiếp)
Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường