Thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam (Kỳ 2)

Tăng trưởng xanh là quá trình phát triển có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường và là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững nói chung và thực hiện SDGs 12 nói riêng. Tính đến năm 2019, công tác thực hiện các nhiệm vụ chiến lược bao gồm xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống đã đạt được những kết quả tích cực.
Thực hiện mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam (Kỳ 1)Việt Nam nỗ lực và trách nhiệm thực hiện Công ước đa dạng sinh họcẢnh hưởng dịch Covid 19, Hà Nội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2020

Những “trái ngọt” từ SDGs 12 tại Việt Nam

Theo kết quả khảo sát, đến cuối năm 2018, mới chỉ có 7 bộ, ngành và 34/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của các bên liên quan bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, các hoạt động, dự án đang được triển khai về tăng trưởng xanh đều phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển, chưa xuất phát từ nguồn lực trong nước.

thuc hien muc tieu san xuat va tieu dung ben vung o viet nam ky 2
Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đưa ra với các giải pháp toàn diện và đồng bộ.

“Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả” đã được tổ chức triển khai trong từ 2006 - 2015 (chia làm hai giai đoạn 2006 - 2010 và 2011 - 2015) đã được Bộ Công Thương chủ trì, triển khai với nhiều hoạt động về dán nhãn năng lượng, sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời, kiểm toán năng lượng, tòa nhà tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng, năng lượng tái tạo… và các chương trình truyền thông.

Kết quả cho thấy, giai đoạn 2011 - 2015, mức tiết kiệm thực tế đạt được là 5,65%, tương đương với 11,2 triệu TOE (tổng tiêu thụ năng lượng), đạt được mục tiêu đề ra và cao hơn giai đoạn 2006 - 2010 là 3,4%. Theo thống kê của Bộ Công Thương, kết quả giai đoạn 2013 - 2017, lượng điện năng tiết kiệm được ước đạt trung bình khoảng 1%/ năm so với dự báo nhu cầu điện của toàn bộ nền kinh tế trong năm 2011.

Theo báo cáo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 của Bộ Công thương vào năm 2018 cập nhật trong giai đoạn hiện nay đến năm 2030, sau mỗi chu kỳ 5 năm, nhu cầu điện năng sẽ tăng lên 1,5 lần. Đây là mức tăng rất nhanh so với các nước trong khu vực và thế giới.

Các khảo sát, tính toán cho thấy, hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8 - 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60% năm 2010, và được nâng lên xấp xỉ 70% vào năm 2014. Mặc dù vậy, tỉ lệ này vẫn thấp hơn so với thế giới khoảng 10%.

Ngoài ra, theo Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2019 (EOR19) đã đưa ra các kịch bản về tiết kiệm năng lượng đến năm 2030 và 2050. Kết quả phân tích cho thấy, Việt Nam có thể đạt được tỉ lệ 40% năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện vào năm 2030 và đưa ra phương hướng giúp Việt Nam có thể giảm phát thải carbon hàng năm tới 39%, tương đương 370 triệu tấn, vào năm 2050 so với các kế hoạch hiện tại.

Việc triển khai tiết kiệm năng lượng với chi phí thấp nhất có thể giúp tiết kiệm 5% và 11% chi phí hệ thống năng lượng vào các năm 2030 và 2050, cũng như giảm đáng kể phát thải CO2. Ngoài ra, các biện pháp tiết kiệm năng lượng sẽ làm giảm tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng trong các ngành thương mại, công nghiệp, dân dụng và giao thông vận tải lần lượt là 8,9%; 11%; 22,7% và 13,4% vào năm 2030.

Hoạt động chính sách tích cực

Chương trình dán nhãn năng lượng bắt đầu triển khai từ năm 2008, Bộ Công Thương đã triển khai theo hình thức tự nguyện, bắt buộc thực hiện từ ngày 1/7/2013. Theo thống kê của Bộ Công Thương, Chương trình dán nhãn năng lượng bắt buộc từ ngày 1/7/2013, tính đến tháng 6/2018, đã có khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng. Lượng sản phẩm bán ra của các thiết bị gia dụng có dán nhãn năng lượng như quạt điện, máy thu hình, máy điều hòa chiếm hơn 90% tổng số sản phẩm bán ra trên thị trường.

thuc hien muc tieu san xuat va tieu dung ben vung o viet nam ky 2
Nhãn năng lượng xe máy theo Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT.

Thông tư số 59/2018/TT-BGTVT ngày 17/12/2018 của bộ Giao thông Vận tải, hướng dẫn việc dán nhãn năng lượng đối với xe mô tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu, cơ sở sản xuất, nhập khẩu xe phải in nhãn năng lượng của xe theo mẫu quy định của Bộ Công Thương và thực hiện dán nhãn năng lượng trên từng xe tại vị trí dễ quan sát trước khi đưa ra thị trường. Dự báo lượng điện tiết kiệm từ các sản phẩm dán nhãn năng lượng sẽ đạt khoảng 10% vào năm 2020 và con số này có thể lên tới 30% vào năm 2030.

Năm 2009, Bộ TN&MT đã triển khai thực hiện Chương trình Nhãn sinh thái, áp dụng việc dán Nhãn xanh Việt Nam vào các sản phẩm có mức độ ưu tiên chung về môi trường cao hơn so với những loại sản phẩm khác trong cùng một nhóm sản phẩm, trên cơ sở đánh giá những tác động và ảnh hưởng lên môi trường của toàn bộ chu trình luân chuyển (vòng đời) của sản phẩm.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã xây dựng và ban hành các tiêu chí để cấp nhãn xanh cho 9 nhóm sản phẩm thuộc các ngành sản xuất như đóng gói, bột giặt, mực in, pin, đèn điện, thiết bị văn phòng, vật liệu xây dựng... Tuy nhiên, mới chỉ có 4 nhóm sản phẩm thực tế đã được cấp nhãn xanh và đều có được nhờ sự hỗ trợ của các dự án.

Đối với công tác thực hiện việc quản lý chất thải nguy hại thuộc Mục tiêu cụ thể 12.4, lượng chất thải công nghiệp nguy hại phát sinh khoảng 874.589 tấn năm 2018; lượng chất thải nguy hại (CTNH) nông nghiệp phát sinh khoảng 10.000 tấn/năm (bao gói, chai lọ có hàm lượng độc chất cao và khó tái chế, sử dụng) và chất thải y tế phát sinh khoảng 47-50 tấn/ ngày.

Khối lượng CTNH được thu gom, xử lý tăng dần, năm 2012 là 165.624 tấn, năm 2013 là 186.657 tấn (tăng 12,7% so với năm 2012), năm 2014 là 320.275 tấn (tăng 93,4% so với năm 2012), chiếm tỉ lệ khoảng 40% tổng lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc. Năng lực thu gom xử lý chất thải nguy hại đã tăng từ 83 doanh nghiệp với công suất xử lý từ 1.300 tấn/năm năm 2015 (các cơ sở do Bộ TN&MT cấp phép) lên 118 cơ sở năm 2018 với tổng công suất xử lý 1,8 triệu tấn/năm (tăng thêm 7 cơ sở với công suất xử lý 500 nghìn tấn/năm so với năm 2017). Đến năm 2019, tỉ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%, trong đó tỉ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý đạt 99,1%.

Công tác thực hiện thu thập, thống kê các chỉ tiêu thuộc SDGs 12 được Chính phủ ban hành tại Thông tư 03/2019/BKHĐT và Quyết định số 681/QĐ-TTg cũng đang được triển khai và đem lại những kết quả ban đầu. Thông qua quá trình rà soát kết quả của các chỉ tiêu SDGs 12 như sau:

thuc hien muc tieu san xuat va tieu dung ben vung o viet nam ky 2

Công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của động đồng và xã hội về sản xuất và tiêu dùng bền vững luôn được quán triệt trong các Chiến lược phát triển của Chính phủ. Ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, thói quen tiêu dùng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác, môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững.

Trên cơ sở đó, hàng loạt các hoạt động chính sách đã được đưa ra thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông nhằm thay đổi thói quen trong sản xuất và tiêu dùng hướng đến mục tiêu phát triển bền vững như túi nilon thân thiện môi trường, giảm thiểu, thay thế các sản phẩm nhựa, nhãn sinh thái, nhãn năng lượng, thúc đẩy tiêu dùng xanh, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo…

Mặc dù vậy, có thể nói rằng các hoạt động triển khai tiêu dùng bền vững vẫn còn những điểm hạn chế, mới chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao nhận thức, chưa có sự kết nối chặt chẽ, phạm vi thực hiện mới chỉ dừng ở mức độ dự án hoặc nhóm đối tượng thụ hưởng trực tiếp.

Khuyến nghị tiếp tục thực hiện SDGs 12 tại Việt Nam

Sản xuất và tiêu dùng bền vững là mục tiêu cần phải thực hiện trong nhiều thập kỷ tới, vì vậy, Việt Nam sẽ phải tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các biện pháp để đạt được các mục tiêu cụ thể của SDGs 12, phù hợp với chủ trương của Đảng phát triển nhanh và bền vững để rút ngắn khoảng cách phát triển.

thuc hien muc tieu san xuat va tieu dung ben vung o viet nam ky 2
Sản xuất và tiêu dùng bền vững là mục tiêu cần phải thực hiện trong nhiều thập kỷ tới

Những nội dung cần thực hiện dưới đây:

Thứ nhất, cần tập trung thực hiện các dự án, chương trình đã được xác định tại Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững theo quyết định số 622/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai, dựa trên cơ sở những mục tiêu cụ thể của SDGs 12, thực tiễn triển khai thực hiện những năm vừa qua, rà soát lại những qui định pháp luật, những bất cập, mâu thuẫn và chưa có trong qui định của luật pháp để tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thực hiện các mục tiêu cụ thể của SDGs 12.

Thứ ba, xanh hóa hệ thống phân phối và phát triển chuỗi cung ứng quốc gia, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; những sản phẩm cần được dán nhãn sinh thái, có địa chỉ truy xuất và chỉ dẫn Địa lý.

Thứ tư, bảo đảm sự tiếp cận của người nghèo, người yếu thế đối với các sản phẩm bền vững, an toàn cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực của các chính sách sản xuất và tiêu dùng bền vững đến nhóm đối tượng này.

Thứ năm, có lộ trình triển khai phát triển các mô hình kinh tế xanh, mô hình carbon thấp, mô hình kinh tế tuần hoàn tiến tới một nền kinh tế khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng nhằm phát thải bằng không.

Thứ sáu, tận dụng những ưu thế của cơ chế kinh tế thị trường để huy động các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân đầu tư cho các chương trình dự án đã được xác định trong chương trình hành động của Chính phủ thực hiện SDGs 12, Nhà nước đóng vai trò “nhạc trưởng” để các thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả, cạnh tranh lành mạnh cho mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thứ bảy, cần tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế, nguồn ngân sách Nhà nước đi đôi với tăng cường huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cho việc tăng cường năng lực khoa học và công nghệ hướng tới các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Thứ tám, cần duy trì, thúc đẩy và phát triển các hoạt động tổng thể về tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và giảm phát thải trong quá trình phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc là một cột mốc quan trọng để các nước thành viên báo cáo tiến trình thực hiện các mục tiêu được ký kết vào năm 2015. Việt Nam đang tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm triển khai hiệu quả 17 SDGs. Cho đến nay, công tác thực hiện SDGs12 đã đạt được những kết quả tích cực nhờ có đường lối và chính sách phát triển phù hợp về sản xuất và tiêu dùng bền vững được đề ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức trong công tác triển khai thực hiện. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung nguồn lực, đẩy mạnh ban hành các chủ trương, chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo sự kết nối nhằm triển khai các khuyến nghị đưa ra một cách hiệu quả đảm bảo triển khai hiệu quả 9 mục tiêu cụ thể tại SDGs 12.

Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường