Theo các nghiên cứu khoa học, khu bảo tồn thiên nhiên là những khu được bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ dành cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và quan trắc môi trường. Các khu bảo tồn thiên nhiên cho phép gìn giữ các quần thể của các loài cũng như các quá trình của hệ sinh thái không bị ảnh hưởng hoặc ít bị nhiễu loạn.
Còn đối với các vườn quốc gia, đây là những khu vực rộng lớn có vẻ đẹp thiên nhiên (ở biển hay ở đất liền) được gìn giữ để bảo vệ một hoặc vài hệ sinh thái trong đó, đồng thời được dùng cho các mục đích giáo dục, nghiên cứu khoa học, nghỉ ngơi giải trí và tham quan du lịch. Đáng chú ý, nguồn tài nguyên ở các khu vườn quốc gia thường không được phép khai thác cho mục đích thương mại.
Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã xây dựng một hệ thống phân loại các khu bảo tồn, trong đó quy định rõ các mức độ sử dụng tài nguyên đối với khu bảo tồn. Cụ thể bao gồm:
Khu dự trữ thiên nhiên là những công trình quốc gia, có diện tích hẹp hơn được thiết lập nhằm bảo tồn những đặc trưng về sinh học, địa lý, địa chất hay văn hoá của một địa phương nào đó.
Khu quản lý nơi cư trú của sinh vật hoang dã có những điểm tương tự với các khu bảo tồn nghiêm ngặt nhưng cho phép duy trì một số hoạt động để đảm bảo nhu cầu đặc thù của cộng đồng.
Khu bảo tồn cảnh quan trên đất liền và trên biển được thành lập nhằm bảo tồn các cảnh quan. Tại những khu vực này, các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên được cho phép theo cách cổ truyền, không có tính phá hủy. Đặc biệt tại những nơi mà việc khai thác, sử dụng tài nguyên đã hình thành nên những đặc tính văn hóa, thẩm mỹ và sinh thái học đặc sắc. Những nơi này tạo nhiều cơ hội phát triển cho ngành du lịch và nghỉ ngơi giải trí.
Trong khi đó, các khu bảo vệ nguồn lợi được thành lập để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cho tương lai. Ở đây việc khai thác, sử dụng tài nguyên được kiểm soát phù hợp với các chính sách quốc gia.
Các khu bảo tồn sinh quyển và các khu dự trữ nhân chủng học được thành lập để bảo tồn nhưng vẫn cho phép các cộng đồng truyền thống được quyền duy trì cuộc sống của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Thông thường, cộng đồng trong một chừng mực nhất định vẫn được phép khai thác các tài nguyên để đảm bảo cuộc sống của chính họ. Các phương thức canh tác truyền thống thường vẫn được áp dụng để sản xuất nông nghiệp.
Các khu quản lý đa dụng cho phép sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, trong đó có tài nguyên nước, động vật hoang dã, chăn nuôi gia súc, gỗ, du lịch và đánh bắt cá. Hoạt động bảo tồn các quần xã sinh học thường được thực hiện cùng với các hoạt động khai thác một cách hợp lý.
5 loại hình đầu tiên nêu trên có thể coi là những khu bảo tồn thực sự, trong đó các nơi cư trú chủ yếu được quản lý vì mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học. Mục đích đầu tiên cho các khu trong ba loại hình còn lại không phải là để quản lý đa dạng sinh học, mà là mục tiêu thứ yếu. Các khu quản lý này đôi khi có ý nghĩa và có tính đa dạng sinh học khá phong phú, đặc biệt quan trọng vì chúng thường rộng lớn hơn các khu bảo tồn rất nhiều.
Hiện nay, Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng lớn. Đó là biến đổi khí hậu; Suy giảm các hệ sinh thái, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường. Theo đó, các khủng hoảng đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Được đánh giá là quốc gia có hệ sinh thái đa dạng, những năm gần đây Việt Nam đã và đang thực hiện mở rộng hệ thống các khu bảo tồn thiên nhiên và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế.
Gần đây nhất, Bộ TN&MT đang lấy ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050".
Đây là một trong những nhiệm vụ cấp thiết để đa dạng sinh học được bảo tồn, phục hồi, phát triển; Dịch vụ hệ sinh thái được sử dụng bền vững góp phần phát triển kinh tế xã hội, mang lại lợi ích cho mọi người dân.
Theo đó mục tiêu đến năm 2030, các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo vệ và phục hồi; Tăng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên đất liền đạt tối thiểu 9% diện tích lãnh thổ; Trên 70% các khu bảo tồn được đánh giá đạt hiệu quả quản lý theo bảng đánh giá hiệu quả quản lý khu bảo tồn.