Tình trạng buôn bán động vật hoang dã bắt đầu ‘nóng’ trở lại

Khi các hạn chế trong đại dịch đang giảm dần, cũng là lúc tình hình buôn bán động vật hoang dã bắt đầu “nóng” trở lại, một báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết.
Chung tay hành động để bảo tồn các loài động vật hoang dãRừng Amazon bị tàn phá nghiêm trọng, hàng nghìn loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủngBuôn bán động vật hoang dã trái phép, nhìn từ vụ nuôi nhốt 17 con hổ

Đại dịch Covid-19 đã kiềm hãm những kẻ săn bắt, buôn bán động vật hoang dã

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, các nhà chức trách ở Đông Nam Á cần phải hành động nhanh chóng để ngăn chặn những kẻ buôn lậu động vật hoang dã quay trở lại kinh doanh khi việc kiểm soát biên giới được nới lỏng.

Theo cơ quan này, mạng lưới của những kẻ buôn bán động vật hoang dã đã bị gián đoạn khi các quốc gia đóng cửa biên giới và thắt chặt giám sát từ khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái.

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã bắt đầu ‘nóng’ trở lại - Ảnh 1
Nạn săn bắt, vận chuyển động vật hoang dã đã giảm đáng kể trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua.

Cùng với việc thực hiện các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt ở nhiều nơi, nhu cầu đối với các sản phẩm từ động vật hoang dã - như vảy tê tê, mật gấu, sừng tê giác - cũng giảm đột ngột, một phần cũng đến từ ý thức của người dân được nâng cao.

"Nhưng những thay đổi này chỉ là tạm thời và Đông Nam Á có thể sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng lâu dài về vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã", Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) đã đưa ra cảnh báo trong một báo cáo nội bộ dành cho các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.

Jeremy Douglas, đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, nói rằng đại dịch đã tạo cơ hội cho các nhà chức trách làm nhiều hơn nữa để ngăn cản người tiêu dùng và kìm hãm đường dây cung cấp của những kẻ tội phạm.

Nhưng khi những kẻ buôn lậu quay trở lại, các vụ phát hiện và bắt giữ những kẻ vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoang dã đã bắt đầu tăng lên. Do đó, cần phải duy trì các cuộc kiểm tra biên giới chặt chẽ hơn.

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã bắt đầu ‘nóng’ trở lại - Ảnh 2
Công an tỉnh Điện Biên phát hiện, lập biên bản vi phạm với đối tượng đang vận chuyển trái phép 2 cá thể động vật hoang dã ngày 7/9/2021.

Đông Nam Á, một trong những khu vực có sự đa dạng động thực vật bậc nhất thế giới, từ lâu đã trở thành điểm nóng về buôn bán động vật hoang dã. Tê giác bị giết để lấy sừng, cá sấu bị nuôi để lấy da, rái cá và chim bị bắt làm vật nuôi, gỗ rừng bị khai thác trái phép.

Theo tổ chức phi chính phủ về động vật hoang dã Traffic, các quốc gia Đông Nam Á đóng vai trò là nguồn cung cấp, tiêu thụ và là trung tâm vận chuyển động vật hoang dã đến từ trong khu vực cũng như phần còn lại của thế giới.

Nhu cầu cao về “mặt hàng” này được ghi nhận ở các nước như Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan, nơi chúng được sử dụng trong y học cổ truyền hoặc tiêu thụ trực tiếp.

Một số chính phủ đã nắm bắt đại dịch như một cơ hội để áp đặt các lệnh cấm rất cần thiết đối với việc buôn bán động vật hoang dã. Từ đầu năm 2020, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm ngay lập tức đối với việc tiêu thụ thịt thú rừng và một số hoạt động buôn bán động vật hoang dã, trong khi Việt Nam tăng cường thực thi luật chống buôn bán động vật hoang dã vào tháng 7 cùng năm.

Các chính sách như vậy rõ ràng đã có hiệu quả trong việc giảm nhu cầu đáng kể, báo cáo nêu rõ.

Tuy nhiên, tình hình thực tế, những ghi nhận gần đây cho thấy, những kẻ buôn lậu đã lại hoạt động trở lại bằng những chuyến vận chuyển vảy tê tê qua biên giới nhiều quốc gia trong năm nay.

Tình trạng buôn bán động vật hoang dã bắt đầu ‘nóng’ trở lại - Ảnh 3
138 kg sừng tê giác và hơn 3 tấn xương động vật hoang dã nhập trái phép qua cảng Tiên Sa được hải quan Đà Nẵng phát hiện và bắt giữ ngày 18/7/2021.

Những nguy cơ tiềm ẩn bùng phát nạn buôn bán động vật hoang dã trở lại

Cơ quan của Liên Hợp Quốc khẳng định, việc săn bắt động vật hoang dã và khai thác các sản phẩm động vật bất hợp pháp không hoàn toàn dừng lại trong thời gian đại dịch.

Thông qua các cuộc phỏng vấn với những người vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã ở một số khu vực dọc theo sông Mekong - như Myanmar, Thái Lan, Lào và Trung Quốc - UNODC đã tìm thấy bằng chứng về việc các sản phẩm động vật hoang dã được tích trữ cho đến khi giá cả và nhu cầu phục hồi.

Các nhân viên kiểm lâm ở khu vực này và các khu vực khác trên thế giới cũng cho biết họ đã chứng kiến ​​sự gia tăng săn bắn tự cung tự cấp do đại dịch khiến người lao động bị mất việc làm và kinh tế ngừng trệ khiến nhiều người chuyển sang khai thác, săn bắn tài nguyên từ rừng để kiếm tiền.

Huệ Đỗ