Ngày 2/10, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về “Bảo tồn các loài hoang dã: Làm thế nào để chống lại nạn buôn bán động thực vật hoang dã” do Đại sứ quán Mỹ phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức. Sự kiện cung cấp thông tin về tình hình buôn bán động thực vật hoang dã trên thế giới và tại Việt Nam, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong đối phó các vấn đề liên quan đến mua bán động vật hoang dã, cũng như nỗ lực của chính phủ Mỹ, chính phủ Việt Nam và các quốc gia khác nhằm ngăn chặn hoạt động này.
Từ trái qua phải, Phó Đại sứ Anh Steph Lysaght, Đại sứ Nam Phi Kgaogelo Lekgoro và Đại sứ Mỹ Kritenbrink. |
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink cho biết, vấn đề buôn bán động vật hoang dã được chính phủ Mỹ quan tâm vì hiện nay có rất nhiều loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng. Đây là vấn đề mang tính toàn cầu. Ông nhấn mạnh: “Hội thảo là dịp để chúng tôi thực hiện mục tiêu của mình, nâng cao ý thức của cộng đồng, ý thức của người Việt Nam đối với những thách thức hiện nay, trong việc phòng chống và ứng phó với các vấn đề liên quan đến mua bán động vật hoang dã. Thông qua sự kiện này, chúng tôi mong muốn sẽ cắt giảm được nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Đây cũng là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác của chúng tôi với Chính phủ Việt Nam qua đó, ngăn chặn việc mua bán trái phép các loài động vật hoang dã, rà soát lại những hành động đã được triển khai, bổ sung và khắc phục những hạn chế, những thiếu sót”.
Tội phạm mua bán động vật hoang dã tăng lên từng giờ
Việc khai thác, buôn bán và tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã đang trở thành vấn nạn nhức nhối của nhiều quốc gia, nhiều khu vực. Các loài bị buôn bán phổ biến nhất là voi, tê tê, tê giác và rùa biển. Đáng chú ý, loại hình tội phạm này thường gắn liền với các loại tội phạm khác như buôn lậu, buôn bán vũ khí trái phép hay buôn bán ma túy, tham nhũng.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Hương, Giám đốc truyền thông của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã (WCS) – chương trình Việt Nam cho biết, tội phạm mua bán động vật hoang dã vẫn tăng lên từng ngày từng giờ. Theo bà Nguyễn Hương, có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trước hết là các nhóm tội phạm tận dụng tối đa xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển công nghệ. Chúng có thể đăng tải hình ảnh mua bán hoặc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã trên mạng xã hội như Facebook, Instagram.
Bà Nguyễn Hương, Giám đốc truyền thông của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã (WCS). |
Nhiều quốc gia chưa thực sự đặt nặng quan tâm và có những chính sách phù hợp để ngăn chặn các hoạt động này. Đến thời điểm hiện tại thì tội phạm liên quan đến động vật hoang dã được coi là loại tội phạm có tính rủi ro thấp nhất. Vì đa phần không có nạn nhân trực tiếp là con người, do vậy nhiều quốc gia vẫn có mức phạt khá nhẹ. Trong khi đó, lợi nhuận do hoạt động mua bán này mang lại vô cùng lớn. Theo ước tính của Chương trình môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), lợi nhuận do mua bán động vật hoang dã xuyên quốc gia mang lại lên đến 23 tỉ USD hàng năm.
Việt Nam đã có đóng góp tích cực
Trong những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy các loài hoang dã bị buôn bán trái phép không chỉ có nguồn gốc trong nước. Nhiều loài động vật và sản phẩm có nguồn gốc từ nước ngoài như tê giác Châu Phi, voi Châu Phi, hay rắn và kỳ đà từ các quốc gia Châu Á khác. Theo Viện kiểm soát nhân dân tối cao, trong giai đoạn 5 năm từ 2013 đến 2017, cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.500 các vụ vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, đưa ra xét xử 432 bị cáo, thu giữ 41.328 kg cá thể và các sản phẩm từ động vật hoang dã. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện 34 vụ việc và thu giữ 872 cá thể hoang dã.
Tại buổi thảo luận, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết, Việt Nam đã tham gia nhiều cam kết quốc tế quan trọng về bảo vệ các loài động vật hoang dã và đa dạng sinh học, trong đó có Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và Công ước về Đa dạng sinh học (CBD).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ban hành bộ luật hình sự sửa đổi, tăng hình phạt đối với hành vi buôn bán động vật hoang dã và quảng cáo sản phẩm từ động vật hoang dã lên mức tối đa 15 năm tù. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã triệt phá nhiều mạng lưới mua bán động vật hoang dã lớn, bắt giữ nhiều đối tượng cầm đầu. Từ tháng 1/2010 đến 30/9/2019, đã có 57 vụ mua bán sừng tê giác bị phát hiện và xử lý, thu giữ hơn 753.000 kg sừng tê giác, bà Nguyễn Phương Dung dẫn thống kê của ENV cho biết.
Bà Nguyễn Phương Dung khẳng định, thành công lớn của Việt Nam là khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong chiến dịch ngăn chặn mua bán trái phép động vật hoang dã. Chẳng hạn, ENV đã thành lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin về các vụ mua bán hay những vi phạm liên quan động vật hoang dã và 6 tháng đầu năm 2019, giải cứu được 80 cá thể động vật hoang dã.
Cần một giải pháp đa phương
Hoạt động săn bắt và mua bán động vật hoang dã không chỉ đẩy nhanh tốc độ tuyệt chủng của các loài động vật trong tự nhiên, gây mất cân bằng sinh thái, thúc đẩy các loại hình tội phạm khác mà còn dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn là gia tăng nguy cơ lây lan những bệnh dịch nguy hiểm, chẳng hạn như đại dịch SARS, Ebola... Nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề, các quốc gia và các tổ chức bảo tồn đã đầu tư nhiều nguồn lực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ngăn chặn nạn săn bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã.
Chia sẻ về các nỗ lực phòng chống mua bán động vật hoang dã, Đại sứ Nam Phi tại Việt Nam Mpetjane Kgaogelo Lekgoro cho biết: “Nam Phi là một trong những khu vực có nhiều loài động vật hoang dã nhất trên thế giới, đặc biệt là tê giác. Chúng tôi luôn sẵn sàng chung tay với những nỗ lực toàn cầu để bảo vệ các loài động vật hoang dã này với mục đích phục vụ hoạt động liên quan đến kinh tế, bảo vệ hệ thống sinh thái. Chúng tôi đã ký một Biên bản ghi nhớ (MOU) với Việt Nam trong xử lý vấn đề này”. Theo Đại sứ Kgaogelo Lekgoro, Nam Phi đang thực hiện nhiều chương trình ở cấp độ cơ sở, địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, nâng cao hoạt động của các cơ quan chức năng, lực lượng cảnh sát, phối hợp với các quốc gia được coi là điểm trung chuyển và tiêu thụ, hợp tác với tổ chức Interpol để ngăn chặn tình trạng mua bán động vật hoang dã. Một điểm đáng chú ý là Nam Phi đã lưu trữ ADN của các loài động vật hoang dã, đặc biệt là tê giác, từ đó truy được tận gốc nguồn gốc sản phẩm trái phép, định vị vị trí và đường đi của tội phạm.
Cũng tại sự kiện, ông Steph Lysaght, Phó Đại sứ Vương quốc Anh nêu rõ, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đã công bố khoản kinh phí 300 triệu USD hỗ trợ các nỗ lực bảo vệ động vật có nguy cơ tuyệt chủng, và Việt Nam chắc chắn nằm trong danh sách được xem xét.
Nói về điểm sáng trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ, Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh: “Thông qua sự hỗ trợ cơ quan Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), chúng tôi đã có chương trình Saving Species – hay còn gọi là dự án chống buôn bán các loài động vật hoang dã, nhằm nâng cao năng lực cho Việt Nam, tăng cường việc thực thi pháp luật, thúc đẩy vai trò của xã hội dân sự và tạo ra môi trường pháp lý để hoạt động chống buôn bán động vật hoang dã diễn ra hiệu quả”.
Đại sứ Kritenbrink cho biết thêm, nội dung thứ 2 là biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nội vụ Mỹ. Thông qua sự hợp tác này, hai bên sẽ chia sẻ thông tin, trao đổi các biện pháp xử lý hiệu quả và tăng cường phối hợp song phương để điều tra các đường dây buôn bán động vật hoang dã. “Qua các dự án nói trên, chúng tôi hướng tới 3 mục tiêu cụ thể Tăng cường thực thi pháp luật, tăng cường quy định pháp lý có liên quan, giảm nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm từ động vật hoang dã và thúc đẩy hợp tác quốc tế”, Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh.