TP.HCM: 6 tháng không quan trắc chất lượng không khí

Việc đo chất lượng không khí ở TP.HCM bị ngưng từ hồi tháng 6. Trong khi đó, đề án quan trắc không khí cho những năm tới đang xây dựng đơn giá, chờ phê duyệt và sau đó đưa ra đấu thầu nên chưa thể thực hiện.
Hà Nội đã có App cung cấp thông tin về chất lượng môi trường không khíBộ trưởng Trần Hồng Hà: Ô nhiễm không khí chủ yếu do chỉ số bụi mịn tăng caoKhông khí lạnh gây mưa tại Bắc Bộ, lũ các sông tại Trung Bộ đang lên

Gần như suốt tuần trước và kéo dài đến đầu tuần này, tại TP.HCM thường xuyên có hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng sớm, kéo dài cả ngày. Các ứng dụng trên mạng đưa thông tin về ô nhiễm không khí, cảnh báo người dân thuộc nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài.

Cùng thời điểm này vào năm 2019, TP.HCM đã trải qua một đợt ô nhiễm không khí nặng nề. Thông tin từ cơ quan chức năng cho thấy hàng loạt chất gây ô nhiễm như bụi mịn PM10, PM2.5, CO, SO2... tại TP.HCM gia tăng nhiều lần so với quy chuẩn, đe dọa sức khỏe người dân. Lúc đó Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM đã tổ chức họp báo thông tin: Đã có chủ trương xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, không khí tự động từ năm 2016 nhưng vì nhiều lý do nên chỉ dừng lại ở khâu xây dựng đề án. Vì vậy, những thông số quan trắc về chất lượng không khí phải thuê các đơn vị làm dịch vụ, thực hiện theo hình thức thủ công.

Theo chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan, có 3 yếu tố gây nên hiện tượng trên. Một là TP.HCM và khu vực phía Nam những ngày qua có mưa do nhiễu động đới gió đông nên độ ẩm cao, không khí bị lưu giữ ở tầng thấp trong bầu khí quyển.

Hai là không khí ô nhiễm dẫn đến tồn tại nhiều bụi lơ lửng, hơi nước bám vào các hạt bụi này tạo ra sương. Ba là TP.HCM và Nam Bộ chịu ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc, ban ngày trời ấm nhưng ban đêm nhiệt độ giảm sâu nên hơi nước được tạo điều kiện bám vào các hạt nhân liên kết tạo ra sương ngày càng nhiều.

tm-img-alt
Thời gian gần đây, TP.HCM thường xuyên có hiện tượng sương mù dày đặc vào sáng sớm, kéo dài cả ngày.

Tuy nhiên, ngày 16/12, trao đổi với Vnexpress, đại diện Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở TN&MT) cho biết, việc đo chất lượng không khí ở thành phố bị ngưng từ hồi tháng 6. Trong khi đó, đề án quan trắc không khí cho những năm tới đang xây dựng đơn giá, chờ thành phố phê duyệt và sau đó đưa ra đấu thầu nên chưa thể thực hiện.

"Dự kiến đầu tháng 2 năm tới, chúng tôi mới tiếp tục đo chất lượng không khí", đại diện trung tâm này nói.

Trước khi dừng, việc đo không khí ở TP.HCM thực hiện bằng cách làm thủ công tại 30 điểm ở các tuyến đường, khu dân cư, khu công nghiệp... Tần suất đo 10 ngày mỗi tháng ở hai khung giờ 7h30-8h30 và 15h-16h. Phương pháp này khiến việc lấy và phân tích mẫu mất nhiều thời gian. Sau 7 ngày từ khi lấy mẫu, chỉ số chất lượng không khí mới được công bố ở bảng điện tử trên những tuyến đường để người dân nắm.

Trong thời gian chờ đợi hệ thống quan trắc hoạt động lại, đại diện Sở TN&MT cho rằng, người dân có thể nắm bắt thông tin chất lượng không khí qua các ứng dụng Airvisual, PalmAir... Đây là các ứng dụng nước ngoài, dù hệ thống cảm biến chưa theo tiêu chuẩn kỹ thuật Việt Nam nhưng có thể tham khảo về mức độ, chất lượng không khí.

"Thành phố là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, có nhiều hoạt động sản xuất, giao thông... nên không thể đòi hỏi chất lượng không khí tốt so với những nơi khác", đại diện Sở TN&MT nói và cho hay việc cập nhật chất lượng không khí trong thời gian không được quan trắc có thể dựa vào những năm trước vì chất lượng không khí có tính chu kỳ qua các năm.

Tháng 5 vừa qua, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản về môi trường trên địa bàn thành phố, phục vụ có hiệu quả cho công tác xử lý, khắc phục, cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Theo đó, đề án sẽ được điều chỉnh một phần, trong đó thành phố tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh các vị trí, chỉ tiêu, tần suất quan trắc các thành phần môi trường. Đồng thời thực hiện lộ trình phát triển, mở rộng mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các quy chuẩn hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Thế nhưng, sau thời gian bị vướng giải tỏa mặt bằng, mới đây những trạm quan trắc này mới được đầu tư xây dựng nên chưa hoàn thành, chưa thể quan trắc môi trường cũng như không khí.

Nhật Hạ
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết