TP.HCM chìm trong lớp sương mù ô nhiễm. Ảnh: Ngọc Dương/Thanh niên |
Những ngày qua, thời tiết TP.HCM diễn biến thất thường. Các lớp sương mù dày đặc xuất hiện từ sáng đến chiều, bay lơ lửng trong không khí. Thời tiết se lạnh hơn những ngày bình thường, việc di chuyển của người dân khó khăn vì tầm nhìn bị hạn chế.
Trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí AQI tại TP.HCM cũng liên tục ở mức trên 150, thuộc nhóm màu đỏ (thang 4 trong 6 thang bậc đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Việt Nam, AQI từ 100 đến 200 không khó thuộc nhóm chất lượng kém, những người mắc bệnh nhạy cảm như hô hấp, tim mạch nên hạn chế ra ngoài. Theo bảng phân cấp AQI của Mỹ, chỉ số AQI từ 150 đến 200, mọi người có thể bắt gặp một số vấn đề về sức khỏe, người nhạy cảm có thể gặp tác động nghiêm trọng hơn.
Theo bảng phân cấp chỉ số AQI ở Úc, AQI trên 150 thuộc nhóm rất kém, tất cả mọi người chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí. Kết quả quan trắc của đại sứ quán Mỹ tại TP.HCM hôm qua cũng cho chỉ số AQI ở mức 129 - mức kém.
Không chỉ TP.HCM, một số điểm đo khác ở Nam bộ cũng cho thấy không khí ô nhiễm bất thường như Kiên Giang, Vũng Tàu. Vào 15h chiều 22/9, tại Rạch Giá, chỉ số AQI lên tới 156. Tối 21/9, ở Vũng Tàu, chỉ số AQI lên 151, ở Phan Thiết (Bình Thuận) lên tới 158.
Giữa trưa nhưng ở TP. HCM mù mịt trong lớp sương mù màu trắng đục. Ảnh: Vietnamnet |
Trả lời Thanh Niên, PGS-TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ô nhiễm không khí, thuộc Viện Môi trường - Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP.HCM, khẳng định ô nhiễm không khí tại TP. HCM nói riêng cũng như toàn khu vực phía Nam nói chung từ ngày 18/9 đến nay ở mức rất cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Qua kết quả đo đạc, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do cháy rừng từ Indonesia khiến chất ô nhiễm bị gió thổi sang, nồng độ ô nhiễm tại TP.HCM tăng cao đột biến vào ngày thứ sáu (20.9). Thứ hai, độ ẩm trong không khí cao (hiện nay mưa nhẹ nên độ ẩm lên tới 95 - 100%) và trong không gian có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù. Bên cạnh đó, phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Theo ông Bằng, đợt gió phía bắc thổi về mang theo lượng khói, cát bụi từ các khu rừng cháy bên Indonesia đổ bộ hoàn toàn vào khu vực phía Nam nước ta, ngưng kết cùng hơi nước ở tầng thấp tạo ra lớp mù ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, dù đúng vào thời điểm cuối tuần, lượng phương tiện di chuyển trong nội đô thấp nhưng chất lượng không khí lại ô nhiễm cực nặng. Hiện lượng bụi mịn đo được trong không khí tại TP đã đạt mức 2.5 - mức nguy hại đối với sức khỏe con người.
TS Hồ Quốc Bằng cảnh báo người dân cần tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách không nên tập trung, thể dục ngoài trời. Nếu cần ra đường thì phải đeo khẩu trang chuyên dụng chống ô nhiễm không khí như N95. Những gia đình có điều kiện nên đi xe hơi hoặc trang bị máy lọc khí trong nhà.
Sương mù kéo dài nhiều ngày tới
Trả lời Tuổi trẻ, chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan cho rằng thời tiết Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, những ngày tới sẽ xuất hiện sương mù, mù khô, có những ngày sương mù, mù khô rất dày đặc.
"Điều kiện để sương mù hình thành là có độ ẩm lớn, có nhiều hạt liên kết và nhiệt độ thấp. Hiện nay vào đầu sáng nhiệt độ tại TP.HCM thường giảm nhẹ cộng với lượng hạt liên kết trong khí quyển lớn do khí thải giao thông, sản xuất công nghiệp... là điều kiện lý tưởng để hình thành sương mù", bà Lan chia sẻ.
Bà Lan cho biết thêm thậm chí những ngày sau lễ Giáng sinh và Tết dương lịch, TP.HCM và các tỉnh Nam Bộ có sương mù, mù khô dày đặc.
“Ở thành phố mà xuất hiện sương mù nhiều có nghĩa là mức độ ô nhiễm cao. Đừng cho rằng nó đẹp, lãng mạn mà người dân phải cảnh giác, che chắn kỹ khi ra đường”, bà Lan cảnh báo trên Zing.