TP.HCM hướng đến hình mẫu đô thị xanh

TP.HCM đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2020-2025 tăng thêm tối thiểu 150 ha đất công viên, tăng thêm 10 ha mảng xanh công cộng. Mục tiêu đến năm 2030, đất công viên ở TP.HCM đạt 1 m2/người, tăng 450 ha so với năm 2020.
‘Xây dựng các đô thị xanh, văn minh’Hà Nội định hướng phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đạiPhát triển đô thị xanh trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai

Phát triển đô thị xanh là xu thế tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới. Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch để phát triển đô thị xanh ở địa phương mình với mục tiêu tạo không gian xanh cho người dân.

Tại TP.HCM, tổng diện tích đất quy hoạch công viên cây xanh trong các đồ án quy hoạch đến hơn 11.400 ha, tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người. Nhưng thực tế hiện nay tổng diện tích công viên hiện hữu chỉ khoảng 500 ha, tương ứng với tỉ lệ 0,55 m2/ người.

Từ đó, các cơ quan chức năng TP.HCM đặt chỉ tiêu từng bước nâng cao chất lượng sống, cải thiện môi trường và nâng cao chỉ tiêu đất cây xanh trên địa bàn, đáp ứng theo chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn và quy hoạch chung của thành phố. 

tm-img-alt
Công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM.

Cụ thể, trong năm 2021, TP.HCM phấn đấu đầu tư xây dựng mới 10 ha công viên và 2 ha mảng xanh công cộng; thực hiện trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh.

Để đạt được mục tiêu này, TP.HCM sẽ rà soát các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án 1/5.000, 1/2.000. Tùy tính chất từng khu đất, chính quyền sẽ lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, các khu đất được quy hoạch công viên đang được cho thuê, sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi để làm công trình công cộng phục vụ người dân. Những nhà xưởng trong khu dân cư sẽ được di dời để dành quỹ đất cho công viên cây xanh. Trong đó, TP.HCM sẽ ưu tiên đầu tư 26 công viên tại TP.Thủ Đức trong thời gian tới.

Theo dự kiến, trong năm nay sẽ hoàn thành bảy công viên, bao gồm công viên Phú Hữu (TP.Thủ Đức), Công viên Cây Sộp (quận 12), công viên Rạch Tra (huyện Hóc Môn), công viên tại đường Bùi Thị Điệt (huyện Củ Chi), công viên ở dự án hạ tầng giao thông cụm Đại học Quốc gia (quận Tân Bình), công viên Cả Cấm, công viên nằm dọc đường Trần Xuân Soạn (quận 7). 

Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, hiện TP.Thủ Đức đã chỉ đạo 34 phường lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060. Trong đó, các phường chủ động, khẩn trương rà soát các khu đất công để quy hoạch công viên trên địa bàn.

Cùng với đó, thực hiện trồng mới và cải tạo cây xanh, xây dựng, điều chỉnh một số hướng dẫn, quy định kỹ thuật chuyên ngành; Xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh, nghiên cứu đặc điểm của một số loài cây xanh trong điều kiện đô thị. Kỳ vọng TP.HCM sẽ trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh của cả nước.

Theo đề án hình thành và phát triển khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông của TP.HCM, phát triển mảng xanh là một trong những nội dung quan trọng. Trong đó 10% diện tích sẽ được dành cho công viên và không gian mở.

Tại lễ công bố thành lập TP.Thủ Đức cuối năm 2020, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, đối với các quỹ đất công viên cây xanh, TP.HCM đang lập kế hoạch đầu tư công và xã hội hóa đầu tư phát triển khoảng 1 triệu cây xanh. Chương trình này nhằm tăng cường mảng xanh tại các công viên, các tuyến đường để TP.Thủ Đức có thể trở thành một hình mẫu về phát triển đô thị xanh.

Hiện nay, TP.HCM cũng đã phê duyệt chương trình phát triển công viên và mảng xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2020-2030. Ở giai đoạn này, TP.HCM đặt mục tiêu tăng 450 ha công viên và trồng mới, cải tạo 50.000 cây xanh. 

Theo TS Đoàn Văn Lư (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) từng trao đổi rằng, sự biến đổi khí hậu với xu hướng nóng lên trên phạm vi toàn cầu cùng với các hoạt động và nhịp sống đô thị mạnh mẽ đã và đang có ảnh hưởng đến môi trường không gian xanh đô thị, không chỉ các mảng xanh mà còn đến cả mặt nước và nguồn nước. Vì vậy, trong kiến trúc không gian xanh đô thị, cây xanh phải có cấu trúc về chủng loại có thể thích ứng và chịu được những cực đoan về biến đổi khí hậu nhằm cải thiện môi trường và chất lượng cuộc sống.

Tại Việt Nam, khái niệm về đô thị xanh còn khá mới, nhiều người vẫn hiểu đô thị xanh là đô thị có nhiều công viên, cây xanh, mặt nước, khá hơn thì có thêm việc sử dụng năng lượng bằng pin mặt trời cho các tòa nhà và trồng cây xanh trên mái.

Theo các chuyên gia quy hoạch, việc phát triển đô thị xanh ở Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại do hạ tầng kỹ thuật và xã hội còn kém, môi trường nhiều nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng, dân số đông nên hạn chế về quỹ đất xây dựng, đội ngũ chuyên gia quy hoạch còn ít và trình độ chưa cao…

Trả lời báo chí, KTS Nguyễn Đình Hòa, chuyên gia quy hoạch và đô thị cho rằng, chủ trương tăng mảng xanh, tăng diện tích công viên cây xanh là hoàn toàn hợp lý, đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Nhưng với tình hình kinh phí dành cho hạ tầng còn hạn chế, việc triển khai xây hàng loạt công viên cây xanh trên toàn địa bàn rất có thể sẽ tạo thêm gánh nặng cho TP.HCM.

KTS Nguyễn Đình Hòa nói thêm, TP.HCM nên xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô lớn trên 10 ha, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp như: Khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục thể thao trong nhà hoặc ngoài trời...

Duy Thật