Tham gia lớp học của CLB, các em được trang bị những kiến thức cơ bản, dễ hiểu nhất về môi trường, đặc biệt được cung cấp kĩ năng làm báo cơ bản như: Cách viết tin, viết một bài báo, cách chụp ảnh, phỏng vấn…
Ra đời vào năm 2010, do nữ Nhà báo Trần Thúy Bình, Ðài Truyền hình Hà Nội làm chủ nhiệm, CLB Nhà báo xanh - nơi quy tụ những bạn trẻ có sở thích tìm hiểu, viết về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững đã gặt hái được nhiều thành quả rất đáng khích lệ. CLB thu hút được đông đảo các bạn sinh viên yêu thích viết về môi trường từ nhiều trường đại học như: Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Học viện Quân y, Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Ðại học Ðiện lực, Ðại học FPT…
Dự án Bút xanh được thực hiện tại xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Thoa. |
Gần 10 năm hoạt động, nhiều bài báo của các thành viên CLB được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hàng loạt hoạt động do CLB tổ chức đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, đặc biệt là của giới trẻ trong việc bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, trong đó, Dự án Bút xanh là một trong những hoạt động điển hình của CLB.
Tham dự buổi tập huấn của Bút xanh, các em nhỏ hào hứng với nhiều hoạt động bổ ích. Ảnh: Hoàng Thoa. |
Dự án Bút xanh được CLB Nhà báo xanh đề xuất cuối năm 2012 và chính thức hoạt động từ tháng 8/2013, với chức năng chủ yếu là mở các lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường sống, các khái niệm về viết tin, bài phản ánh về môi trường cho học sinh bậc Tiểu học.
Sau khi nghiên cứu, khảo sát, CLB đã chọn được 8 em học sinh thuộc xã Tam Ðồng (huyện Mê Linh, Hà Nội) làm lực lượng nòng cốt. Dự án đã được Trung tâm Sống và Học tập vì môi trường và cộng đồng (Live and Learn) tài trợ, đồng thời, nhận được sự đồng thuận và tham gia tích cực của người dân xã Tam Ðồng.
Thông qua những bài giảng sinh động bằng tranh vẽ, video và các tài liệu minh họa, những “giáo viên không chuyên” đã hướng dẫn các em học sinh cách viết tin, bài, cách thu thập thông tin, cách làm đồ dùng tái chế từ rác thải...
Các em được tìm hiểu thêm các kiến thức về môi trường, các hoạt động bảo vệ môi trường như vẽ tranh, làm các vật dụng tái chế từ vỏ chai, hộp nhựa,... Ảnh: Hoàng Thoa. |
Hoàng Thoa – Ðiều phối viên dự án Bút Xanh cho biết: “Chỉ qua 8 buổi học vào các chủ nhật hàng tuần, kết quả đã vượt quá sự mong đợi của chúng tôi. Từ 8 em nòng cốt, tại buổi tổng kết Dự án, đã có hơn 50 học sinh tham gia (em ít tuổi nhất là học sinh lớp 2, lớn nhất là học sinh lớp 11). Bút xanh mong muốn có thể thay đổi nhận thức của các em nhỏ ở nhiều miền quê trên cả nước, đặc biệt những nơi còn khó khăn và vấn đề môi trường vẫn đang nhức nhối, giúp các em được tìm hiểu và bước đầu ý thức được việc phải bảo vệ môi trường ở ngay nơi mình sinh sống”.
Một em nhỏ tham gia Câu lạc bộ. Ảnh: Hoàng Thoa. |
Với mong muốn lan tỏa ý thức và hành động bảo vệ môi trường, hàng trăm học sinh đã bắt đầu thay đổi bản thân, có những hoạt động tích cực, bổ ích ngay tại địa phương.
"Khi Dự án Bút xanh kết thúc, chúng em vẫn duy trì các hoạt động của dự án tại địa phương để góp phần bản vệ môi trường và em ước mơ trở thành nhà báo, được đi tình nguyện như các chị, em rất yêu các chị tình nguyện viên”, em Nguyễn Thị Hồng Gấm (Thái Nguyên) xúc động chia sẻ.
Trải qua 7 mùa Bút xanh ở 7 tỉnh thành khác nhau từ miền Bắc đến miền Trung, trong đó có những điểm vùng khó khăn như huyện Ðồng Văn (Hà Giang), xã Triệu Tài (Quảng Trị), xã Phúc Lương (Thái Nguyên),… CLB cùng các bạn tình nguyện viên đạt được nhiều thành công và ngày càng tiến bộ, trưởng thành trong nhiều hoạt động. Hi vọng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Bút xanh sẽ ngày càng phát triển, giúp lan tỏa rộng lớn những thông điệp ý nghĩa, thiết thực đến cộng đồng về ý thức trách nhiệm với môi trường sống, bảo vệ hành tinh xanh.