Bầu trời Hà Nội bị bao phủ bởi lớp khói bụi. Ảnh: Người đưa tin. |
Tại điểm đo 556 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) của Tổng cục Môi trường, chỉ số chất lượng không khí AQI lúc 8h là 144, xấp xỉ ngưỡng đỏ, tại Việt Trì (Phú Thọ) là 156 (ngưỡng đỏ).
Ghi nhận của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội cho thấy, chỉ số AQI tại Láng Hạ lúc 8h sáng nay là 160, tại Phú Thượng là 187.
Các chỉ số về chất lượng không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc dù có giảm nhẹ so với những ngày trước đó, tuy nhiên vẫn ở mức nghiêm trọng khiến nhiều người không khỏi lo ngại.
Hệ thống PAMAir cũng ghi nhận ô nhiễm lên ngưỡng nghiêm trọng khi hầu hết các điểm đều ở ngưỡng đỏ. Đáng chú ý, nhiều điểm đo ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ còn ô nhiễm hơn Hà Nội như Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên.
Theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ, không khí lên ngưỡng đỏ bắt đầu ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người. Nhóm nhạy cảm như người già, trẻ em, người mắc bệnh hô hấp bị tác động nghiêm trọng hơn.
Theo Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định sơ bộ nguyên nhân của hiện tượng này là do thời tiết tại khu vực miền Bắc không có mưa, độ ẩm không khí thấp, ban ngày trời nắng, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao. Khoảng thời gian ghi nhận nồng độ PM2.5 tăng cao là vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra. Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 tích tụ trong không khí, không thể phát tán lên cao và đi xa.
Đợt ô nhiễm không khí này được nhận định chỉ kéo dài khoảng 2 ngày cuối tuần. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ thứ hai (18/11), các tỉnh miền Bắc sẽ đón một đợt không khí lạnh mới, gây mưa rào và dông. Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm không khí sẽ giảm, chất lượng không khí sẽ được cải thiện hơn.
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, để bảo vệ sức khỏe, người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi, đeo kính khi ra đường.