Va chạm gốc cây, đầu xe tan nát, túi khí không nổ, VinFast Fadil gây tranh cãi

Sau khi va chạm mạnh với gốc cây bên đường, VinFast Fadil bị hư hại nặng ở phần đầu xe, thế nhưng túi khí lại không bung. Hiện đang có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh vấn đề này.
6 tháng doanh thu Vingroup đạt 61.280 tỉ đồng, kỳ vọng “gà đẻ trứng vàng” VinFastChủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng: VinFast Lux SA "hơn cả một chiếc xe"Người đầu tiên sở hữu xe Vinfast Lux SA là ai?
va cham goc cay dau xe tan nat tui khi khong no vinfast fadil gay tranh cai
VinFast Fadil gây tai nạn, phần đầu bị hư hỏng nặng nhưng túi khí không bung.

Vụ việc được xác định mới xảy ra tại Hải Dương. Theo quan sát chiếc Fadil này là bản tiêu chuẩn, được trang bị 2 túi khí phía trước. Hiện trường cũng cho thấy vùng va chạm là đầu xe với phần cản trước hư hỏng nặng. Bộ cản nhựa gần như bung khỏi đầu xe. Đèn bên phụ đã bị vỡ. Tai xe bên phụ móp méo. Video hiện trường cũng cung cấp thêm nhiều chi tiết đáng giá, xe và gốc cây va chạm tại phần đầu bên phụ, cản trước bị bung ra được cho là bởi mắc vào vật khác chứ không phải do đâm trực diện.

Nguyên nhân được cho biết là do tài xế nhầm chân ga và phanh. Rất may, người phụ nữ cầm lái chiếc xe không bị thương.

Vụ việc gây tranh cãi khi những hình ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy, túi khí của chiếc xe hoàn toàn không bung. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể là do việc lái xe không đeo dây đai an toàn, dẫn đến túi khí không được kích hoạt. Tuy nhiên, ý kiến này nhanh chóng bị phản bác với lý do, nguyên tắc hoạt động của đai an toàn vốn độc lập với túi khí. Đai này có nhiệm vụ chủ yếu là giữ tài xế lại khi xe va chạm, tránh va đập vào các bộ phận trong xe và tránh tác động lớn của túi khí có thể gây chấn thương, vì vậy việc không đeo đai an toàn dẫn đến túi khí không bung là không thuyết phục.

Theo một số chuyên gia, việc túi khí VinFast Fadil “nổ” hay “không nổ”, cần phải phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau.

Về mặt chức năng, túi khí là một phần trong hệ thống an toàn thụ động trên ô tô và được thiết kế ra với nhiệm vụ chủ yếu để ngăn ngừa, giảm nguy cơ chấn thương hoặc đe dọa tính mạng của hành khách trong các trường hợp xảy ra tai nạn.

Sự kích nổ túi khí chỉ phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe) và vùng, hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên). Túi khí được thiết kế chỉ để hoạt động khi dây đai an toàn không đủ để bảo vệ tính mạng người ngồi trên xe, như khi có va chạm nghiêm trọng từ phía trước hoặc bên hông của xe (đối với xe có túi khí bên).

Không những vậy, do cấu trúc thân xe được thiết kế với những nguyên tắc vật lý đặc biệt, với phần đầu dễ bị hư hỏng hơn nhiều so với khung giữa, nhằm giảm tối đa lực tác động truyền tới người ngồi trên xe. Theo đó, trong 1 số trường hợp cụ thể dù phần đầu và đuôi xe có thể bị biến dạng nghiêm trọng sau các vụ va chạm, cho dù túi khí không bung thì tính mạng của hành khách vẫn có thể sẽ không bị đe dọa.

Thực tế, trong rất nhiều trường hợp, kể cả các hãng xe danh tiếng thì vấn đề đầu xe bị đâm nát bét mà túi khí vẫn không bung là điều hoàn toàn bình thường và nằm trong xác suất cho phép. Ngoài ra, việc túi khí không kích hoạt trong những trường hợp nêu trên còn phụ thuộc ở rất nhiều nguyên nhân. Việc chi phí để thay thế bộ túi khí mới khá đắt đỏ nên không phải vụ va chạm nào túi khí cũng nhất thiết phải nổ. Túi khí được thiết kế chỉ bung ra khi người ngồi trong xe đứng giữa ranh giới an nguy tính mạng.

Túi khí chỉ hoạt động một lần. Nếu túi khí hoạt động khi có va chạm ở tốc độ thấp, nó sẽ không thể bảo vệ người ngồi trong xe khi gặp phải va chạm mạnh liền ngay sau đó…

Vì vậy, hiện chưa thể vội vàng kết luận vì sao VinFast Fadil dập nát vùng đầu nhưng túi khí vẫn "lặng thinh". Để có câu trả lời sau cùng, chỉ còn một cách là chờ đợi kết luận từ cơ quan chức năng.

Theo Người Đưa Tin