Vấn đề then chốt trong phát triển bền vững
Dưới góc độ triết học, việc giải quyết vấn đề an ninh môi trường là bảo vệ môi trường sống, môi trường tồn tại của con người và xã hội loài người; là bảo vệ một trong ba yếu tố cấu thành của tồn tại xã hội. An ninh môi trường không được bảo đảm thì xã hội không có sản xuất vật chất, không có đời sống tinh thần, không có sự tồn tại và phát triển.
Vấn đề an ninh môi trường lần đầu tiên được nêu ra tại Hội nghị Liên hiệp quốc về môi trường và con người năm 1972. Năm 1991, Tổng thống Bush thừa nhận an ninh môi trường là một bộ phận cấu thành của an ninh quốc gia. Năm 1992, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã dẫn giải cụ thể hơn về an ninh môi trường “Sự khan hiếm các tài nguyên thiên nhiên, suy thoái và ô nhiễm môi trường và những hiểm họa có thể gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, gia tăng bất ổn chính trị, thậm chí trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột và chiến tranh”.
Báo cáo Thiên niên kỷ do Hội đồng châu Mỹ của Liên Hợp quốc xác định an ninh môi trường là việc đảm bảo an toàn trước các mối nguy hiểm môi trường sinh ra do sự yếu kém trong quản lý hoặc thiết kế và có nguyên nhân trong nước hay xuyên quốc gia. Xâm phạm an ninh môi trường được coi là một kiểu diễn biến hòa bình. Đây là quan điểm mang tính chủ động trong bảo vệ con người trước các nguy cơ về môi trường mà chưa nêu bật được sự ổn định tự nhiên vốn có của môi trường.
Theo báo cáo “Phát triển con người” năm 1994 của Liên hợp quốc, an ninh phi truyền thống bao gồm 7 lĩnh vực là: Kinh tế, lương thực, sức khỏe, môi trường, con người, cộng đồng và chính trị. Biểu hiện của môi trường bị mất an ninh bao gồm cạn kiệt tài nguyên, thiên tai thường xuyên, thiên nhiên suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, suy giảm tầng ozone, biến đổi các chu trình sinh - địa, suy giảm đa dạng sinh học... Mất an ninh môi trường sẽ gây suy yếu nền kinh tế, gia tăng đói nghèo, bất ổn xã hội và chính trị, trở thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột, chiến tranh và thậm chí hủy diệt loài người.
Hơn 90% nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người làm gia tăng phát thải khí nhà kính gây ra. Biến đổi khí hậu với những biểu hiện như nước biển dâng, thời tiết cực đoan, hạn hán khốc liệt... đã ảnh hưởng đến sinh kế của con người cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống. Trong bối cảnh đó, phát triển kinh tế, một mặt, phải hướng đến các phương án canh tác thân thiện với môi trường, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, qua đó, làm chậm tốc độ biến đổi khí hậu.
Cụ thể hóa trong các chính sách pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, bảo đảm an ninh môi trường được coi là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tại Đại hội XI, Đảng ta đã khẳng định: “Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mọi công dân”.
Theo đó, khái niệm an ninh môi trường đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Vấn đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng là một nội dung quan trọng của Văn kiện Đại hội XII của Đảng, trong đó nhấn mạnh: “Ngăn chặn và từng bước khắc phục sự xuống cấp của môi trường tự nhiên do con người, nhất là do các dự án phát triển kinh tế gây ra. Hạn chế, tiến tới khắc phục căn bản tình trạng hủy hoại, làm cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất, các khu công nghiệp, khu đô thị. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các chế tài đủ mạnh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật nhằm chấm dứt tình trạng gây ô nhiễm môi trường, tăng cường phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống. Có thể thấy, trong những năm gần đây, vấn đề bảo đảm an ninh môi trường đã được Đảng, Nhà nước quan tâm và thể chế hóa trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật.
Theo ước tính của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), tổng thiệt hại kinh tế của nước ta do ô nhiễm môi trường gây ra trong thời gian qua chiếm từ 1,5 – 3% GDP. Hầu hết môi trường từ đất, nước, không khí, các khu dân cư, khu công nghiệp từ thành thị đến nông thôn đã và đang bị xuống cấp, trở thành vấn đề bức xúc của toàn xã hội. Theo đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, với 59 điểm trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả hoạt động môi trường, Việt Nam đứng ở vị trí 85/163 các nước được xếp hạng. Các nước khác trong khu vực như Philippines đạt 66 điểm, Thái Lan 62 điểm, Lào 60 điểm, Trung Quốc 49 điểm, Indonesia 45 điểm…
Thiệt hại về rừng và môi trường sống kéo theo đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thế giới thừa nhận Việt Nam là một trong những nước có tính đa dạng sinh học vào nhóm cao nhất thế giới. Với các điều tra đã công bố, Việt Nam có 21.000 loài động vật, 16.000 loài thực vật, bao gồm nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Tổ chức vi sinh vật học châu Á thừa nhận Việt Nam có không ít loài vi sinh vật mới đối với thế giới. Thế nhưng trong 4 thập kỷ qua, theo ước tính sơ bộ đã có 200 loài chim bị tuyệt chủng và 120 loài thú bị diệt vong. Hơn 100 loài sinh vật ngoại lai đang hiện diện tại nước ta cũng là mối nguy lớn cho môi trường sinh thái, đặc biệt là việc nhập khẩu 40 tấn rùa tai đỏ – một loài đã được quốc tế cảnh báo là một trong những loài xâm hại nguy hiểm.
Quan điểm của Đảng ta về bảo vệ môi trường, an ninh môi trường xuyên suốt quá trình lãnh đạo, xây dựng đất nước đó là thực hiện sản xuất và tiêu dùng bền vững; từng bước phát triển năng lượng sạch, sản xuất sạch, tiêu dùng sạch; chú trọng kiểm soát ô nhiễm môi trường; khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, Đảng ta khẳng định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của toàn xã hội từ hệ thống chính trị đến toàn xã hội, mọi công dân. Những nội dung này được thể hiện rõ trong các Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đến Đại hội XIII; trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, sửa đổi, bổ sung năm 2011; trong các Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 1991 - 2000, 2001 - 2010, 2011 - 2020, 2021 - 2030; Chỉ thị số 36-CT/TW, ngày 25-6-1998, của Bộ Chính trị “Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 15-11-2004, “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”...
Từ những quan điểm, nhận định của Đảng về bảo vệ môi trường, an ninh môi trường đã được Nhà nước ta đã cụ thể hóa thành hệ thống chính sách pháp luật về Môi trường như Luật Bảo vệ môi trường 2014; Luật Tài nguyên nước 2012; Luật Phòng chống thiên tai 2013; Luật Đa dạng sinh học 2008… Bên cạnh đó, cũng bao gồm các chương trình, đề án, hoạt động cụ thể như Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Lan Anh