Liên quan đến tiến độ của dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tới nay tổng cộng đã có 23 nhân sự người Trung Quốc của Tổng thầu sang Việt Nam tiếp tục triển khai dự án.
Tất cả nhân sự của Tổng thầu đã hết thời gian cách ly theo dõi sức khoẻ, và được xác định không nhiễm Covid-19. Họ đã trở lại làm việc bình thường, triển khai các công việc còn dang dở và xử lý giấy tờ trước khi thực hiện chạy thử toàn hệ thống.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa chốt được thời điểm chạy thử. |
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý Dự án đường sắt, đây chưa phải là toàn bộ các chuyên gia Trung Quốc đang làm việc tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trong khi đó, để chạy thử được toàn hệ thống của dự án này cần phải có tất cả nhân sự người Trung Quốc và của tư vấn thẩm định.
Ngoài ra, để có thể chính thức chạy thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chỉ có nhân sự Trung Quốc vẫn chưa đủ, các chuyên gia tư vấn của Pháp cũng phải có mặt để đánh giá an toàn dự án.
"Ngoài các chuyên gia của Tổng thầu Trung Quốc thì các chuyên gia tư vấn của Pháp cũng phải sang để đánh giá an toàn dự án, khi đó dự án mới có thể triển khai chạy thử", đại diện Ban Quản lý dự án Đường sắt cho biết.
Trong khi đó, khi nào các chuyên gia tư vấn Pháp sang hiện vẫn chưa có thời gian cụ thể do diễn biến dịch bệnh tại một số quốc gia đang có dấu hiệu phức tạp trở lại.
Được biết, Bộ GTVT đang phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam để sớm đưa các chuyên gia Pháp sang thực hiện tiếp dự án theo hợp đồng.
Trước đó, từ tháng 9/2019, Bộ GTVT đã thuê tư vấn độc lập của Pháp đánh giá hệ thống an toàn trên toàn dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Trước đó, chia sẻ với báo chí, Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ cho dự án Cát Linh - Hà Đông đã đạt được 12/13 chứng chỉ an toàn, chứng chỉ cuối cùng phải chờ dự án chạy thực tế mới đánh giá được. Dự án phải chạy được thì tư vấn Pháp mới có thể thực hiện đánh giá.
Ngoài ra, hiện nay còn vướng mắc về cơ chế thanh toán và liên quan tới việc thực hiện kết luận kiểm toán dự án. Cơ chế tài chính giao cho dự án như thế nào hiện nhiều điểm cơ quan Kiểm toán vẫn chưa kết luận dứt khoát.
Trong khi đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thiện và đưa vào khai thác các dự án giao thông trọng điểm trong năm 2020 (trong đó có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), báo cáo Chính phủ đầy đủ những vướng mắc của các dự án này, trình Quốc hội để có hướng xử lý.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỉ đồng tương đương 552 triệu USD. Quá trình thực hiện dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỉ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,4 triệu USD. Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có chiều dài tuyến đi trên cao là 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông) 12 nhà ga trên cao. Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80km/giờ, vận tốc bình quân khai thác 35km/giờ, khai thác với tần suất vận chuyển khoảng 2 phút/chuyến. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã phải tăng tổng mức đầu tư từ gần 8.770 tỉ đồng lên hơn 18.000 tỉ đồng, điều chỉnh tiến độ 4 lần. Ban đầu, thời gian dự kiến thực hiện dự án từ 2008-2013, sau 4 lần điều chỉnh, dự kiến hoàn thành 2018, vận hành, chạy thử đến hết 31/3/2019. Nhưng đến nay, sau cả chục lần lỗi hẹn vẫn chưa xác định được chính thức thời gian hoàn thành dự án. |