Vì sao Hà Nội vẫn chưa hết cảnh cứ mưa là 'phố thành sông'?

Mặc dù thời gian qua Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc xóa điểm đen ngập úng trên địa bàn, thế nhưng điệp khúc “cứ mưa là ngập” vẫn cứ tiếp tục xảy ra từ năm này qua năm khác.
Gỡ 'nút thắt' cho bài toán rác thải ở Hà NộiHà Nội: Phân luồng tập kết rác tạm thời khi bãi rác Nam Sơn bị chặnĐường phố Hà nội lại ngập sau mưa

Mới đây nhất là cơn mưa lớn xảy ra ngày 17/8 vừa qua khiến nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài. Các tuyến phố rất ít khi bị ngập như: Tràng Tiền, Tràng Thi, Hàng Khay, Trần Hưng Đạo, Bà Triệu... cũng bị ngập úng. Các phương tiện giao thông di chuyển rất khó khăn, tuyến đường bị ùn tắc.

chi hang nghin ti chong ngap vi sao ha noi van chua het canh mua la ngap
Nhiều tuyến đường trong khu vực nội thành Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài trong ngày 17/8 vừa qua. (Ảnh: Internet)

Được biết, những năm qua, Hà Nội đã đầu tư không ít tiền vào các dự án chống ngập. Điển hình năm 2000, UBND TP.Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD.

Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD, đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm).

Để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, Hà Nội đã chủ trương đầu tư nhiều dự án để chống ngập, đặc biệt là khu vực nội thị.

Trong đó, 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền 19.099 tỉ đồng, bao gồm: Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư 8.000 tỉ đồng, đã hoàn thành vào tháng 11/2016; Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu 7.464 tỉ đồng; Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn I), tổng mức đầu tư: 3.635 tỉ đồng.

Dù được đầu tư hàng nghìn tỉ đồng, nhưng sau mỗi trận mưa lớn, đường phố Hà Nội vẫn không thoát cảnh ngập. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi về tính hiệu quả của hàng loạt công trình trên.

Hệ thống thoát nước Hà Nội bộc lộ nhiều điểm lạc hậu

Lý giải về việc cứ mưa là ngập, Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội Võ Tiến Hùng cho biết: “Đối với các trận mưa nhỏ dưới 50mm/2 giờ thì Hà Nội sẽ không xảy ra ngập úng, cơ bản chỉ tồn tại một vài vị trí ứ đọng nước do cao độ mặt đường trũng thấp hoặc hệ thống thoát nước gặp sự cố.

Đối với các trận mưa có cường độ trong khoảng từ 50 - 100mm/2h, Hà Nội vẫn còn tồn đọng 16 điểm úng ngập. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, nguyên nhân không nhỏ là do hệ thống thoát nước chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Tuy nhiên, đây là việc cần phải có thời gian, nên tình trạng ứ đọng nước trên mặt đường là điều khó tránh khỏi, kể cả ở các đất nước có hệ thống thoát nước hiện đại”.

chi hang nghin ti chong ngap vi sao ha noi van chua het canh mua la ngap
Hệ thống thoát nước của Hà Nội đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu so với sự phát triển, đô thị hóa và điều kiện khí hậu, thời tiết hiện nay. (Ảnh: Internet)

Theo các chuyên gia, Hà Nội là thành phố có địa hình trũng thấp, cao độ trung bình khu vực nội thành chỉ từ 6-6,5 m so với mực nước biển, độ dốc dưới 10% chiếm 54,5% diện tích toàn thành phố.

Vào các tháng mùa mưa, mực nước sông Hồng vượt mức báo động 1, không thể thoát tự chảy, phải bơm cưỡng bức ra sông dẫn đến nguy cơ ngập lụt. Do vậy, thành phố cần phải quản lý tốt xây dựng cốt nền ở những khu chung cư.

Hiện nay, các chủ đầu tư chưa quan tâm đến công tác tiêu thoát nước chung mà mạnh ai nấy làm. Hạ tầng kỹ thuật được xây dựng theo kiểu “xôi đỗ,” thiếu sự đồng bộ. Chủ đầu tư không quan tâm đến tiêu thoát nước ngoài hàng rào khu đô thị mà để nước mưa đổ trực tiếp ra chung quanh, hoặc có đấu nối vào hệ thống thoát nước nhưng không đầu tư nâng cấp các đường ống, dẫn đến tình trạng quá tải khi mưa lớn.

Thế nên nhiều chuyên gia quy hoạch chỉ ra, thành phố cần thiết phải có quy định về cốt nền đô thị đối với những khu chung cư mới xây. Cùng với đó, quản lý tốt việc cấp phép xây dựng giữa cấp thành phố và cấp quận, để hạn chế tình trạng úng ngập.

Theo TS - KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, hệ thống thoát nước của Hà Nội đã bộc lộ nhiều điểm lạc hậu so với sự phát triển, đô thị hóa và điều kiện khí hậu, thời tiết hiện nay.

Trước đây, dự án thoát nước trên địa bàn chỉ tính lượng mưa khoảng 200 mm, còn nay Hà Nội có những trận mưa 300-400mm, do vậy Hà Nội cần thiết phải điều chỉnh các dự án thoát nước cho phù hợp với thực tế.

Theo ông Nghiêm, đối phó với biến đổi khí hậu, rõ ràng không thể chỉ xử lý những điểm ngập cục bộ mà phải đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước toàn thành phố và cả vùng thủ đô; kết hợp giữa yêu cầu thoát nước với phát triển đô thị; kết hợp xử lý thoát nước với quy hoạch hệ thống công viên, cây xanh.

Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, nhưng với tốc độ đô thị hóa tăng mạnh, thành phố phát triển loang rộng nhanh thì cần phải có điều chỉnh phù hợp để ứng phó theo hướng nâng cao khả năng tiêu úng cho cả nội thành và ngoại thành. Do vậy, cần phải nghiên cứu tổng thể lại hệ thống thoát nước trên phạm vi cả thành phố, với tầm nhìn trong khoảng 5 năm, 10 năm, 20 năm...

Trong đó, đặc biệt chú trọng các vấn đề về cốt nền phù hợp từng khu vực, thoát nước mỗi khu vực riêng hài hòa với thoát nước cả thành phố, giữ lại nước mưa để tận dụng…

Nhật Hạ
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết