VIASEE cần phát huy nhiệm vụ phản biện, giám định xã hội

Theo PGS.TS Bùi Thị An, trong giai đoạn mới, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tếGiảm thiểu rác thải nhựa trong doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế tuần hoànTW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam với tầm nhìn thời đại hướng đến nền kinh tế xanh

20 năm kiên định mục tiêu bảo vệ môi trường

Trong suốt quá trình hoạt động, 20 năm qua, dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường về chuyên môn, sự chỉ đạo từ Bộ Nội vụ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) về nghiệp vụ, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, quyết tâm phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, công tác chính trị được giao.

Đến nay, TW Hội có hơn 500 hội viên, hoạt động được mở rộng về các vùng miền trong cả nước, cả về số lượng hội viên tập thể và cá nhân. Nhất là lực lượng các doanh nghiệp, doanh nhân. Trong đó phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của Tạp chí Kinh tế Môi trường là cơ quan ngôn luận của TW Hội, hoạt động khá hiệu quả trong suốt 15 năm qua, từ năm 2006.

tm-img-alt
TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam từng bước khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trong quá trình hoạt động, công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội được TW Hội xác định là nhiệm vụ trọng yếu nhất của một đơn vị thuộc VUSTA. Từ đó, TW Hội tổ chức các chương trình lấy ý kiến phản biện mỗi khi có yêu cầu từ VUSTA và các Bộ ngành liên quan.

Nhiều hội viên trực tiếp tham gia vào các Hội đồng thẩm định về lĩnh vực môi trường, kinh tế, công nghệ đối với các công trình, dự án có liên quan ở Trung ương và địa phương.

Bên cạnh đó, đội ngũ chuyên gia của TW Hội đã đóng góp tích cực trong việc xây dựng các văn bản pháp luật, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở một số Ban, Bộ, ngành và địa phương liên quan, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Thông qua Tạp chí Kinh tế Môi trường, trong nhiệm kỳ 2015 – 2020, hoạt động giáo dục, truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường và phát triển bền vững, kinh tế xanh của TW Hội có tiến bộ rõ rệt dưới nhiều hình thức, phong phú, đa dạng, tạo hiệu ứng tốt, lan tỏa trong cộng đồng.

Hội tổ chức các tọa đàm, hội thảo khoa học về nội dung liên quan kinh tế môi trường, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Trong đó, phải kể đến việc tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Kinh tế môi trường, tầm nhìn thời đại hướng tới nền kinh tế Xanh”.

Ngoài ra, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã có một số đóng góp đáng ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ về kinh tế môi trường, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Một số hội viên là nhà khoa học, quản lý đã phối hợp, chủ trì, huy động lực lượng chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia các công trình nghiên cứu khoa học, điều tra, khảo sát thông qua các dự án liên quan về môi trường.

Điển hình như dự án chuyển giao công nghệ lò đốt rác sinh hoạt tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã có những kết quả bước đầu. Đây là một mô hình tốt cho xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn. Hay loạt bài về vấn đề bauxite Tây Nguyên được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Môi trường cũng được dư luận quan tâm và đánh giá cao.

Tuyến bài này nhận được sự ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương và Liên hiệp Hội Việt Nam. Thông qua đó, những kiến nghị của Hội đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Kinh tế Trung ương.

tm-img-alt
Chuyên gia môi trường của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đi khảo sát tại Hồ bùn đỏ số 1, Nhà máy alumin Tân Rai, tỉnh Lâm Đồng.

Hành động vì sự phat triển bền vững

Đánh giá về vai trò của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng, trong bối cảnh toàn thế giới đề cao vấn đề bảo vệ môi trường, tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. Do đó, nhiệm vụ của TW Hội sẽ càng nặng nề hơn, đóng vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững.

tm-img-alt
PGS.TS Bùi Thị An (bên trái), nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng trao đổi với PV Tạp chí Kinh tế Môi trường. 

“Thời gian qua, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã làm tốt nhiệm vụ, tuy nhiên trong giai đoạn mới cần phải phát huy mạnh mẽ hơn nữa để không lãng phí nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển", PGS.TS Bùi Thị An nói.

Theo bà An, là một tổ chức xã hội nghề nghiệp với vai trò phản biện xã hội, TW Hội thông qua cơ quan ngôn luận cần phải nêu ra những bất cập của thực tế, phản ánh, tạo diễn đàn dư luận, truyền thông thông tin một cách kịp thời, hiệu quả.

Cụ thể, Tạp chí Kinh tế Môi trường phải là lá cờ đầu trong việc cung cấp thông tin chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế, môi trường. Bên cạnh đó, Tạp chí cần mở rộng phạm vi phản ánh thông tin về vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh trong nước và quốc tế, đem đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích, có chiều sâu, các dự án, công trình nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực kinh tế môi trường.

Để làm tốt công tác chuyên môn, phản biện xã hội, nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ môi trường, thời gian qua, TW Hội đã không ngừng kiện toàn tổ chức, kết nạp thêm hội viên, thu hút các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế, môi trường.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Thị An, đội ngũ chuyên gia không chỉ đòi hỏi năng lực giỏi về chuyên môn mà quan trọng hơn cần phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, làm việc công tâm, công bằng, đóng góp những ý kiến khách quan theo hướng xây dựng đối với các dự án có ảnh hưởng đến môi trường để kiến nghị lên các cơ quan có thẩm quyền nhằm đưa ra những sự điều chỉnh, bổ sung chính sách, pháp luật, cũng như các giải pháp phù hợp, loại trừ khả năng xảy ra tiêu cực.

Đồng thời, nguyên Đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ, các Bộ ban ngành xem xét đưa TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam trở thành một trong các đơn vị tư vấn, đóng góp ý kiến đối với các dự án trọng điểm quốc gia, đưa ra kiến nghị, đề xuất chính sách với Chính phủ nhằm thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao.

Vương Liễu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường