Thời gian vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường, cơ quan ngôn luận của TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) đã liên tiếp đăng tải loạt bài viết liên quan đến việc khai thác tài nguyên khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Trong đó có hai dự án bất động sản nghỉ dưỡng quảng cáo là sử dụng nguồn nước khoáng nóng là dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji và Dự án Vườn Vua Resort & Villas, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.
Các bài viết với thông tin khách quan, với nhiều cứ liệu xác thực đã "bóc trần" việc tài nguyên khoáng nóng (tài nguyên quý hiếm và hữu hạn) đang bị khai thác tại huyện Thanh Thủy để làm lợi cho một bộ phận doanh nghiệp.
Chính vì vậy, mới đây, VIASEE đã có văn bản số 11/TN-BCH do PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, phụ trách Khối Môi trường và Biến đổi khí hậu, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường ký, kiến nghị của VIASEE gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản, trong đó có tài nguyên khoáng nóng. Văn bản này được xem là ý kiến chung của các nhà khoa học trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Dưới đây, Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng đăng tải văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ của VIASEE.
Kính gửi: - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính,
- Đồng kính gửi Văn phòng Chính phủ
Kính thưa Thủ tướng,
Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia hoạch định chính sách pháp luật.
Với kinh nghiệm 20 năm xây dựng và phát triển, VIASEE đã quy tụ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín hàng đầu về lĩnh vực kinh tế môi trường. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hội luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.
Tháng 3/2020, VIASEE đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, đó là khai thác, chế biến khoáng sản Bauxite và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên. VIASEE đã chỉ rõ, với trữ lượng khoáng sản Bauxite lớn và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông, chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến Bauxite một cách hiệu quả, đặc biệt khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây không những là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước, mà còn chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Tháng 4/2021, VIASEE gửi thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên cả nước. Theo đó, khoáng sản – loại tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nhưng đang dần cạn kiệt bởi tình trạng khai thác “nóng”. Hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như khai thác trái phép, khai thác gây ô nhiễm môi trường, công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để…
Noi theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: “Vì lợi ích mười năm trồng cây; Vì lợi ích trăm năm trồng người”; VIASEE luôn đề cao công tác xây dựng, tập hợp đội ngũ các nhà trí thức nhằm góp phần phụng sự nước nhà một cách hiệu quả nhất. Đối với sáng kiến trồng 1 tỉ cây xanh “Vì một Việt Nam xanh” do Thủ tướng Chính phủ phát động gần đây, VIASEE và các hội viên của Hội hết lòng ủng hộ quyết sách, chỉ đạo của Chính phủ thông qua việc tăng cường thông tin, kêu gọi các hành động thiết thực, phối kết hợp với nhiều bên triển khai các chiến dịch trồng cây xanh. Nhiều năm qua, hoạt động trồng cây Bồ Đề - cây của nhà Phật cũng được VIASEE thực hiện tại nhiều địa phương trên cả nước với mong muốn mang lại một cuộc sống trong lành, khỏe mạnh cho cộng đồng, góp phần lan tỏa thông điệp Cuộc sống Xanh.
Kính thưa Thủ tướng,
Việt Nam may mắn khi có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Trong đó, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Điều 53 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Báo cáo từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian qua không ngừng được tăng cường; pháp luật về khoáng sản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng; công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả nhất định. Đó là những thành tựu đáng tự hào của ngành Địa chất Việt Nam sau hơn 75 năm hình thành và phát triển.
Song, VIASEE thực sự đau xót khi các nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nhưng đang dần cạn kiệt bởi tình trạng khai thác “nóng”.
Điều 4 Nguyên tắc hoạt động khoáng sản của Luật Khoáng sản chỉ rõ: Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương, các loại “khoáng tặc” vẫn hoành hành khắp nơi.
Luật Khoáng sản 2010 đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nay, nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản đã được giải quyết. Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã chỉ rõ: “…Hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để…”.
Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Trong đó, Luật xác định các thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Điều 4 của Luật cũng chỉ rõ Nguyên tắc bảo vệ môi trường, và nhấn mạnh Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Trong Điều 5, Luật định rõ các Chính sách Nhà nước về bảo vệ môi trường.
Kính thưa Thủ tướng,
Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, các vụ việc xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình... Bên cạnh một phần nhỏ lợi ích kinh tế mà các dự án đem lại thì mối nguy hiểm lớn nhất chính là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để lại hệ luỵ lâu dài…
Tháng 6/2021, Tạp chí Kinh tế Môi trường liên tiếp có bài viết phản ánh về dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy (gọi tắt là Wyndham Thanh Thủy) với các hoạt động quảng cáo thiếu minh bạch về nguồn nước khoáng nóng.
Theo đó, dù chưa có giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ TN&MT cấp, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji vẫn tiến hành các hoạt động quảng bá rầm rộ về các khu khoáng nóng. Tại chính sách bán hàng của chủ đầu tư, nguồn nước khoáng nóng đều được khẳng định sẽ được dẫn lên từng căn hộ.
Thực tế, Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji chưa được cấp phép bất kỳ một hoạt động khai thác khoáng sản nào trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Đại diện Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Công ty cổ phần dịch vụ du lịch Onsen Fuji không có giấy phép thăm dò khai thác nước khoáng nóng. Việc đánh giá trữ lượng tại địa bàn này dựa trên cơ sở kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng do Hội đồng đánh giá trữ lượng quốc gia thẩm định”.
Về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji chưa có giấy phép khai thác khoáng nóng cũng đã được Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) khẳng định.
Tại công văn số 158 gửi Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhấn mạnh, việc chủ đầu tư dự án quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc sử dụng nguồn khoáng nóng là gây hiểu lầm đối với các khách hàng, dư luận.
Gần đây nhất, Tạp chí Kinh tế Môi trường – cơ quan ngôn luận của VIASEE đã có tuyến bài phản ánh vụ việc khai thác tài nguyên khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ để phục vụ các dự án bất động sản, nghỉ dưỡng. Cụ thể là Dự án khu nghỉ dưỡng Wyndham Lynn Times Thanh Thủy do Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Onsen Fuji làm chủ đầu tư và Dự án Vườn Vua Resort & Villas, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ.
Theo đó, lợi dụng vào nguồn tài nguyên khoáng nóng (khoáng sản hữu hạn), doanh nghiệp xin cấp phép xây dựng các dự án. Họ liên doanh với doanh nghiệp khác, khai thác khoáng nóng đem bán vào dự án bất động sản, nghỉ dưỡng rồi “thổi giá” dự án lên gấp nhiều lần.
Theo các chuyên gia đầu ngành về địa chất, khoáng sản, nguồn khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy là nguồn nước có giới hạn và có giá trị kinh tế. Nghiên cứu cho thấy, nguồn nước khoáng ở Thanh Thủy thực sự quý hiếm khi có một thành phần mà hầu hết (300 điểm khác trên cả nước) nước khoáng của Việt Nam không có là Radon. Tuy nhiên, thật đau xót và đáng báo động, nguồn khoáng nóng quý giá và hữu hạn này đang bị khai thác vô tội vạ, làm lợi cho một bộ phận doanh nghiệp.
Kính thưa Thủ tướng,
Một nước Việt Nam hùng cường quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi sự bền vững của môi trường! Trước thực trạng trên, VIASEE kính kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đưa ra những quyết sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên cả nước; ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài nguyên, khai thác chui, không giấy phép, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường để hướng đến phát triển bền vững. Chúng ta cần những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giữ lại nguồn lực cho tương lai, khai thác hợp lý tạo nguồn lực làm giàu cho đất nước.
Đặc biệt, VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan ban ngành Trung ương tăng cường giám sát, chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương và vụ việc khai thác nguồn khoáng nóng quý giá tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.
Trên đây là một số ý kiến của VIASEE kính trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Xin kính chúc Thủ tướng sức khỏe, thành công!
TM Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam
Chủ tịch, PGS.TS Trương Mạnh Tiến (đã ký)
Dự án khu biệt thự, sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua (Vườn Vua Resort & Villas, gọi tắt là Vườn Vua Resort ) nằm tại huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ do Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ (Công ty thành viên của Công ty Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG) làm chủ đầu tư.
Theo quảng cáo của chủ đầu tư, mục tiêu của dự án khu biệt thự, sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua là đầu tư xây dựng quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái với hàng trăm căn biệt thự liền kề tiêu chuẩn 5 sao phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch. Ngoài ra, khu nghỉ dưỡng còn các hạng mục tiện ích khác tại dự án như bể bơi khoáng nóng, sân golf, khu vui chơi giải trí…
Ngày 17/6, trả lời Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đại diện Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, chủ đầu tư dự án là Công ty Cổ phần đầu tư Thăng Long Phú Thọ chưa được cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại địa bàn Thanh Thủy.
Trước đó, tháng 3/2020, UBND tỉnh Phú Thọ đã xử phạt Công ty Thăng Long Phú Thọ số tiền 120 triệu đồng về hành vi khai thác, sử dụng nguồn nước dưới đất không có giấy phép tại khu vực dự án Vườn Vua. UBND tỉnh Phú Thọ đồng thời yêu cầu công ty này phải thực hiện ngay thủ tục cấp giấy phép khai thác nguồn nước dưới đất và chấp hành các quy định của Luật Tài nguyên nước.