VIASEE kiến nghị Thủ tướng xử lý sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đưa ra những quyết sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên cả nước.
Khai thác khoáng nóng không phép: VIASEE kiến nghị lên Thủ tướngVIASEE gửi kiến nghị lên Thủ tướng về tình trạng khai thác khoáng nóng không phép ở Phú ThọCần làm rõ hoạt động khai thác nước khoáng nóng tại dự án Vườn Vua Resort & Villas

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giám sát, xử lý sai phạm trong khai thác tài nguyên khoáng sản.

Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam là một tổ chức xã hội – nghề nghiệp, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT, có nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia hoạch định chính sách pháp luật.

Với kinh nghiệm 20 năm xây dựng và phát triển, VIASEE đã quy tụ được đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín hàng đầu về lĩnh vực kinh tế môi trường. Kể từ khi thành lập cho đến nay, Hội luôn chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng và quy định pháp luật của Nhà nước, có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

tm-img-alt
Hoạt động khai thác khoáng sản ở khu 8, xã Hà Thạch, thị xã Phú Thọ.

Tháng 3/2020, VIASEE đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về một vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn, đó là khai thác, chế biến khoáng sản Bauxite và phát triển ngành công nghiệp nhôm tại Tây Nguyên. VIASEE đã chỉ rõ, với trữ lượng khoáng sản Bauxite lớn và quy trình công nghệ đã được thử nghiệm thành công tại hai nhà máy alumin Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đắc Nông, chúng ta cần hoàn thiện quy mô khai thác và chế biến Bauxite một cách hiệu quả, đặc biệt khai thác đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây không những là một vấn đề có ý nghĩa chiến lược, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho Ngân sách Nhà nước, mà còn chính là thời điểm để nắm lấy cơ hội vàng góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Tháng 4/2021, VIASEE gửi thư kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên cả nước. Theo đó, khoáng sản – loại tài nguyên không tái tạo, thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nhưng đang dần cạn kiệt bởi tình trạng khai thác “nóng”. Hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như khai thác trái phép, khai thác gây ô nhiễm môi trường, công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để…

Việt Nam may mắn khi có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng. Trong đó, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Điều 53 Hiến pháp năm 2013 khẳng định, tài nguyên khoáng sản là “tài sản công” thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý. Báo cáo từ Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản thời gian qua không ngừng được tăng cường; pháp luật về khoáng sản được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để quản lý hoạt động khoáng sản theo hướng hiệu quả, bền vững, đảm bảo môi trường và an ninh, quốc phòng; công tác điều tra cơ bản về địa chất và khoáng sản cũng như đánh giá, thăm dò khoáng sản ngày càng được đẩy mạnh và đạt được những kết quả nhất định. Đó là những thành tựu đáng tự hào của ngành Địa chất Việt Nam sau hơn 75 năm hình thành và phát triển.

Song, hiện nay các nguồn tài nguyên khoáng sản thuộc tài sản quan trọng của quốc gia nhưng đang dần cạn kiệt bởi tình trạng khai thác “nóng”.

Điều 4 Nguyên tắc hoạt động khoáng sản của Luật Khoáng sản chỉ rõ: Hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư; áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến, phù hợp với quy mô, đặc điểm từng mỏ, loại khoáng sản để thu hồi tối đa khoáng sản. Tuy nhiên, bất chấp quy định của pháp luật, chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ban ngành và địa phương, các loại “khoáng tặc” vẫn hoành hành khắp nơi.

Luật Khoáng sản 2010 đã đi vào cuộc sống hơn 10 năm nay, nhiều vướng mắc trong quản lý và khai thác khoáng sản đã được giải quyết. Chính phủ cũng đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg, ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường. Chỉ thị 38/CT-TTg ngày 29/9/2020 Về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản đã chỉ rõ: “…Hoạt động khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn một số tồn tại, hạn chế như: vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư cho công tác an toàn và bảo hộ lao động, đầu tư công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến gắn với công tác bảo vệ môi trường; chưa thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khi kết thúc khai thác theo quy định; hoạt động khai thác trái phép chưa được ngăn chặn triệt để, nhất là khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông còn diễn biến phức tạp; công tác cấp phép thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản chưa nhiều; tình trạng vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trái phép chưa được khắc phục triệt để…”.

Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 10 chính thức thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Trong đó, Luật xác định các thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao. Điều 4 của Luật cũng chỉ rõ Nguyên tắc bảo vệ môi trường, và nhấn mạnh Bảo vệ môi trường là điều kiện, nền tảng, yếu tố trung tâm, tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Hoạt động bảo vệ môi trường phải gắn kết với phát triển kinh tế, quản lý tài nguyên và được xem xét, đánh giá trong quá trình thực hiện các hoạt động phát triển. Trong Điều 5, Luật định rõ các Chính sách Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí liên tục phản ánh tình trạng “chảy máu” tài nguyên khoáng sản, các vụ việc xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước như Hà Tĩnh, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thái Bình... Bên cạnh một phần nhỏ lợi ích kinh tế mà các dự án đem lại thì mối nguy hiểm lớn nhất chính là sự thất thoát tài nguyên thiên nhiên, phá hoại cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, để lại hệ luỵ lâu dài…

Một nước Việt Nam hùng cường quyết không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà đánh đổi sự bền vững của môi trường! Trước thực trạng trên, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam kiến nghị Thủ tướng xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng đưa ra những quyết sách nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản trên cả nước; ngăn chặn tình trạng “chảy máu” tài nguyên, khai thác chui, không giấy phép, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường để hướng đến phát triển bền vững.

Đặc biệt, VIASEE kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, cơ quan ban ngành Trung ương tăng cường giám sát, chỉ đạo chặt chẽ việc xử lý sai phạm trong khai thác khoáng sản trái phép tại các địa phương và vụ việc khai thác nguồn khoáng nóng.

PV