VIASEE trồng cây Bồ Đề trong khuôn viên nhà thờ họ Trương Việt Nam tại tỉnh Ninh Bình

Ngày 21/4, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) và cơ quan ngôn luận là Tạp chí Kinh tế Môi trường đã tổ chức về thăm và trồng cây Bồ Đề trong khuôn viên nhà thờ họ Trương Việt Nam tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm nhà thờ họ Trương Việt Nam tại Ninh BìnhVIASEE đẩy mạnh nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệVIASEE cần phát huy nhiệm vụ phản biện, giám định xã hộiNét đẹp Tết trồng cây mang lại màu xanh cho đất nước

Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh mới đây của Chính phủ và Chương trình Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai từ năm 2012, nhân dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương 2021 (10/3 Âm lịch tức ngày 21/4), TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chủ trương tổ chức trồng cây xanh tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Trong suốt hành trình 20 năm hình thành và phát triển, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã ghi dấu ấn trong hệ thống các Hội, ngành trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bằng nhiều hoạt động xã hội và khoa học có ý nghĩa. Nổi bật trong đó là chuỗi chương trình trồng cây Bồ Đề, hướng đến hành động bảo vệ môi trường ngày hôm nay vì sự phát triển bền vững.

tm-img-alt
Cây Bồ Đề do Hòa thượng Thích Huyền Diệu trồng tại Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ) cách đây hơn 20 năm. 

Cây Bồ Đề có vai trò quan trọng trong nhiều nghi lễ tôn giáo, được trồng ở một số nơi trên thế giới với ý niệm mang lại may mắn và hạnh phúc. Loài cây này còn được mệnh danh là cây của Phật. Bởi Bồ Đề là cây linh thiêng mà Thái tử Tất Đạt Đa tọa thiền, khai minh trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Theo nghiên cứu khoa học, loài cây này giúp thanh lọc không khí, nhả khí oxy ngay cả vào ban đêm.

tm-img-alt
Trồng Bồ Đề tại chùa Cao Linh (An Dương, Hải Phòng).

Chính bởi nguồn gốc cây nhà Phật cùng những tác động tích cực đối với môi trường nên từ khi mới thành lập đến nay, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam luôn chọn Bồ Đề là loài cây gắn liền với hành trình trồng cây xanh của TW Hội trên khắp mọi miền đất nước. TW Hội đã trồng cây Bồ Đề ở những địa điểm linh thiêng như Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ); Vũng Chùa – Đảo Yến (tỉnh Quảng Bình); chùa Thanh Vân (tỉnh Thanh Hóa); chùa Tây, chùa Phúc Sen, chùa Cao Linh (TP.Hải Phòng); chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh); chùa Văn Tràng (tỉnh Thái Bình); chùa Đào Xuyên (huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội); chùa Thụy Ứng (tỉnh Quảng Trị)…

Hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỉ cây xanh vì một Việt Nam Xanh, trong hoạt động trồng cây xanh lần này, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cùng Tạp chí Kinh tế Môi trường đã lựa chọn địa điểm trồng cây Bồ Đề tiếp theo là nhà thờ họ Trương Việt Nam tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

tm-img-alt
Lãnh đạo, cán bộ, nhân viên VIASEE cùng nhau đào hố trồng cây. 

Đây cũng là nơi mà PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tham gia sinh hoạt và có những đóng góp trong quá trình xây dựng với mong ước tạo lập được một công trình lịch sử, là tài sản vô giá truyền lại cho mai sau, là ngôi nhà chung cho người họ Trương ở Việt Nam tìm về nguồn cội.

tm-img-alt
Cây Bồ Đề thỉnh từ đất Phật được VIASEE vận chuyển về trồng tại nhà thờ họ Trương Việt Nam. 

Chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này, PGS.TS Trương Mạnh Tiến cho biết: “Được sự đồng ý và hỗ trợ của Hội đồng họ Trương Việt Nam, ngày hôm nay, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thực hiện thành công hoạt động trồng cây xanh thường niên, đem cây của nhà Phật đến gần hơn với người dân tỉnh Ninh Bình, góp phần mang lại một cuộc sống trong lành và khỏe mạnh cho cộng đồng.

Nhân đây, chúng tôi trân trọng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Hội đồng họ Trương Việt Nam. Mong rằng, cây Bồ Đề được gieo trồng trong khuôn viên nhà thờ họ sẽ góp phần giáo dục thế hệ trẻ luôn thường trực ý thức bảo vệ cây xanh, bảo vệ môi trường. Chúng tôi tin tưởng với sự chăm sóc, gìn giữ của bà con, cây Bồ Đề sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, tương lai trở thành một phần linh hồn của công trình mà chúng ta đã dồn nhiều tâm huyết, nỗ lực và quyết tâm thực hiện”.

tm-img-alt
Thêm một cây xanh, thêm một sự sống. 

Ghi nhận tình cảm của đoàn, ông Trương Văn Đoan, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam bày tỏ niềm vui cùng sự trân trọng. 

tm-img-alt
Cây của Phật yên vị trong khuôn viên nhà thờ họ Trương Việt Nam. 

"Hôm nay đánh dấu chặng đường 8 năm khởi công xây dựng nhà thờ họ Trương Việt Nam, ngày lễ lớn của dòng họ năm nay trùng ngày giỗ Tổ Hùng Vương nên việc trồng cây Bồ Đề càng có ý nghĩa đặc biệt. 

Trân trọng cảm ơn PGS.TS Trương Mạnh Tiến cùng tập thể TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã gieo duyên lành, góp phần tôn tạo cảnh quan nhà thờ của dòng họ. Chúng tôi hết sức trân quý, đồng thời sẽ quan tâm chăm sóc để cây phát triển tốt, mai này tỏa bóng mát, trở thành một phần linh thiêng trong khuôn viên nhà thờ họ", Chủ tịch Hội đồng họ Trương Việt Nam chia sẻ. 

Cũng trong ngày 21/4, Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hà Nội phối hợp với Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức lễ trồng cây Bồ Đề tại chùa Yên Phú - ngôi chùa có lịch sử lâu đời tại xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. 

tm-img-alt
Ảnh lưu niệm chương trình trồng cây Bồ Đề tại chùa Yên Phú ngày 21/4. 

Đây là cây Bồ Đề được thỉnh từ đất Phật do TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam tặng cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ Thành phố Hà Nội. Hoạt động này nhằm hưởng ứng chương trình trồng 1 tỉ cây xanh của Chính phủ, đồng thời lan tỏa tình yêu đạo phật đối với các tăng ni phật tử trên địa bàn Thành phố. 

tm-img-alt
Cây Bồ Đề được trồng tại chùa Yên Phú, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội. 

Kết hợp trong chuyến đi Ninh Bình lần này, sau khi trồng cây xanh, TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường di chuyển về thăm Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên (thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Với tổng diện tích 100 ha, nơi đây gắn liền với sự tích cuộc khởi nghĩa Bà Triệu (năm 248), đồng thời được biết đến là huyệt đạo linh thiêng bậc nhất Việt Nam.

Một số hình ảnh ghi lại tại Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên: 

tm-img-alt
Khuôn viên quần thể di tích rợp bóng cây xanh. 
tm-img-alt
Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 
tm-img-alt
Huyệt đạo trên đỉnh ngàn Nưa được đánh giá là một trong những huyệt đạo linh thiêng nhất nước Việt Nam, là nơi giao thoa giữa đất và trời. 
tm-img-alt
Tập thể TW Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam dâng hương, hành lễ trên đỉnh ngàn Nưa. 
tm-img-alt
PGS.TS Trương Mạnh Tiến (bên phải) và PGS.TS Lưu Đức Hải (bên trái) dâng hương trước huyệt đạo núi Nưa. 
Vương Liễu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết