Võ đạo, cách rèn luyện “thân – tâm – trí” ở mọi thời đại

Võ thuật ngày nay không chỉ là môn thể thao được nhiều người yêu thích tập luyện, mà còn là môi trường giúp cho con người rèn luyện sức khỏe, nhân cách, phẩm chất đạo đức, tinh thần quý báu không phải bộ môn thể thao nào cũng có được.

Hiện nay, có rất nhiều môn võ thuật có thể tập luyện như: Taekwondo, Karatedo, Võ cổ truyền, Thiếu lâm… Tất cả đều mang lại cho người tập võ lợi ích, như: giúp khí huyết lưu thông, tay chân lanh lợi, rèn luyện thể chất, nâng cao sức khỏe, hình thành các kỹ năng tự vệ, chiến đấu; thư giãn thăng bằng tinh thần, phòng chống bệnh tật, giúp rèn luyện nhân cách, hình thành những phẩm chất tốt cho con người và tạo cơ hội cho nhiều mối quan hệ xã hội lành mạnh.

vo dao cach ren luyen 8220than 8211 tam 8211 tri8221 o moi thoi dai
Võ cổ truyền Việt Nam được lưu truyền trong suốt trường kỳ lịch sử của dân tộc, được người Việt sáng tạo và bồi đắp qua nhiều thế hệ – Ảnh minh họa

Từ rất lâu trong Phật giáo đã có Tổ Bồ Đề Đạt Ma tên thật là Bồ Đề Đa La, con trai thứ ba của vua Nam Thiên Trúc, thuộc dòng Sát Đế Lợi. Ngài đã xuất gia gặp Tổ Bát Nhã Đa La, đời thứ 27 của Phật giáo Ấn Độ truyền trao Y bát cho ngài làm Tổ đời thứ 28. Từ khả năng quan sát tinh tế và sự nhạy cảm trong vận động, Ngài đã thu nhiếp hình ảnh vận động của các loài vật qua môi trường tự nhiên vận dụng vào cuộc sống con người để rèn luyện thân thể, chống chọi với tự nhiên và cả sự ức hiếp của kẻ mạnh bắt nạt người yếu.

Trải qua tự tập và khổ luyện, Ngài trở thành người rất giỏi về võ công. Sự nghiệp tu tập và võ công của Ngài mở đầu cho phái võ Thiếu Lâm với những phương pháp rèn luyện công phu, đặc dị. Sách sử còn ghi chép, Ngài ngồi thiền trong động Thiếu Thất quay mặt vào vách núi nhập định 9 năm và đã đúc kết hết thảy tinh yếu võ học vào trong hai cuốn Đạt Ma Dịch Cân Kinh, Tẩy Tủy Kinh, trở thành Thủy tổ của Thiếu Lâm võ công và cũng là Sơ Tổ của Thiền Tông Trung Hoa.

Trong Phật giáo Võ thuật còn lưu truyền qua lời dạy của Đại sư Hạnh Ẩn, việc dạy và học võ Ngài xem đó như là tấm gương soi mình, mục đích luyện võ của mình, dùng võ đức chính là linh hồn của võ thuật, việc tôn cao võ đức là truyền thống từ xưa đến nay của giới võ thuật. Một vị võ sư, nội công thâm hậu, võ công mạnh mẽ mà không có võ đức, người có võ giỏi mà mang đầy tà tâm thì sẽ gây cho giang hồ nhiều sóng gió, chắc chắn bị võ lâm đồng đạo chê trách và sớm muộn cái xấu sẽ bị tiêu diệt. Còn người được bầu làm Minh Chủ võ công của một Võ đường thì không những võ công cao siêu mà còn có võ đức sáng ngời.

Người xưa có nói: “Tập võ chuộng đức không chuộng sức. Sức tuy đả thương người nhưng chưa chắc tâm phục, còn có đức tuy lực kém mà mọi người tâm phục, khẩu phục”. Cho nên “Đức” là phẩm chất của người luyện võ, là tiêu chuẩn để dự đoán một người mới học võ có thể đạt được chân công hay không. Các võ sư phần nhiều rất chú trọng đến việc huấn luyện và bồi dưỡng võ đức, đã chế ra một hệ thống các quy định giới cấm, bắt buộc người học võ phải tuân thủ nghiêm ngặt.

Thời nhà Minh, trong Thiếu Lâm thập điều giới ước có ghi: “Truyền dạy học trò cần chọn lọc thận trọng, nếu xác nhận là kẻ sĩ thật thà giản dị, đạo đức, trung nghĩa thì có thể mang kỹ thuật truyền cho…”; “Người tập luyện ấy khỏe thể xác, tâm hồn làm tông chỉ trọng yếu, quen luyện tập sớm tối không được tùy ý ngưng nghỉ…”; “Lấy lòng từ bi của Phật gia làm gốc, tinh thông võ nghệ chỉ để tự vệ, không vì huyết khí cương cường mà ham đấu đá”, “Hằng ngày phải tôn kính Sư trưởng, ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, không được có hành vi chống cự hoặc ngạo mạn”.

vo dao cach ren luyen 8220than 8211 tam 8211 tri8221 o moi thoi dai
Lễ khai giảng – Ra mắt Võ đường chùa Tăng Phúc tại chùa Tăng Phúc
(phường Thượng Cát, quận Long Biên, TP Hà Nội)

Từ xa xưa các bậc Đại võ sư đã luận về các cảnh giới của võ thuật có bốn bậc: 1, Võ quyền cước, luyện để thân khoẻ mạnh, sức có thể đập vỡ núi đá, nhổ bật rừng cây, nhanh nhẹn như rồng cuộn hổ vồ, trước muôn ngàn đao kiếm không bận tâm, được như thế chỉ là cảnh giới thứ nhất. 2, Võ trí, là học và luyện võ nhưng biết dùng trí để lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh, lấy nhu thắng cương, lấy chậm thắng nhanh. Võ trí chuyển được núi, đổi được sông bởi “trí cao trời người trọng”, cảnh giới đó phải trên võ quyền cước một bậc. 3, Võ đức, là cảnh giới thứ ba, không cần ra đòn mà đối phương đã chịu quy phục bởi “đức lớn quỷ thần kinh”, người có đức thì quy thuận được lòng người. Thâu nhiếp được thiên hạ, có đức mọi người đều hết lòng tin theo, ngồi một chỗ mà thâu tóm tất cả. 4, Võ tâm, không cần lộ chiêu, xuất quyền mà nghe danh, thấy người đối phương đã phải hạ khí giới, bỏ dã tâm xấu để quy thuận. Võ tâm mạnh đến mức gom được trời đất, chuyển được nhân luân, thay đổi được phong hoá. Võ tâm là cảnh giới cao nhất gồm trọn cả võ quyền, võ trí, võ đức.

Võ tâm là cảnh giới cao nhất trong luyện võ, “vạn pháp quy tâm”. Như vậy, chúng ta thấy người học võ phải lấy việc rèn luyện thân tâm làm tôn chỉ, lấy tự vệ làm đức tín, phản đối việc cậy khỏe đấu đá, cậy mạnh hiếp yếu mà phải “lấy đức dày chở vật” cứu khốn phù nguy.

Nhà chùa nhận thấy võ thuật là một môn thể thao mang đến nhiều lợi ích cho thanh thiếu niên. Qua đó, học võ thuật thanh thiếu niên không chỉ có sức khoẻ tốt, tiêu trừ bệnh tật mà còn phát triển đều về tâm đức, biết tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, xem chùa là ngôi nhà thứ hai thân yêu sau ngôi nhà của bố mẹ. Đặc biệt, học trong môi trường Phật giáo, ở đó, Chư tôn đức Tăng ni, người thầy dạy võ là Thầy, là cha, anh, Võ sinh là anh em huynh đệ đồng môn.

Võ cổ truyền Việt Nam phát triển gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngày nay, thế hệ chúng ta tiếp nhận thừa kế một di sản quý báu mà ông cha ta để lại, phát huy truyền bá võ cổ truyền và tinh thần thượng võ là nhiệm vụ thiêng liêng đối với thế hệ trẻ, góp phần vào việc rèn luyện thể chất, tạo cho con người khỏe mạnh, đoàn kết với nhau hơn để học tập, lao động, làm việc phục vụ nhân dân, gia đình, xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam mãi mãi trường tồn, phát triển.

Tại Hà Nội, “Võ đường – Võ cổ truyền Chùa Tăng Phúc” được thành lập trên địa bàn phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội), nơi đã có truyền thống của tinh thần thượng võ từ hơn một ngàn năm trước bởi các vị tướng triều Lý trong công cuộc dựng nước và phát triển đất nước. Nơi đây sẽ là một địa chỉ đẹp, là môi trường học tập, rèn luyện, nhằm đáp ứng được nhu cầu của thanh thiếu niên xây dựng các kỹ năng sống tốt, có đạo đức nhân nghĩa, trở thành những bậc hiền tài, góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển văn hoá xã hội, là một trong những yếu tố quan trọng hình thành phẩm chất của con người mới trong thời đại hiện nay.

TS. Bùi Hữu Dược

Vụ trưởng Vụ phật giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết