Sạt lở, sụt lún xảy ra liên tiếp
Thời gian qua, tại tỉnh Lâm Đồng liên tiếp xảy ra nhiều vụ sạt lở, sụt lún và ngập úng, gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, ảnh hưởng tới sản xuất và đời sống người dân.
Mới đây nhất là vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc ngày 30/7 khiến 3 cán bộ CSGT và 1 người dân tử vong. Cụ thể, vào khoảng 14h30 ngày 30/7, nhóm cán bộ thuộc Trạm CSGT Madaguoi – Phòng PC08 Công an tỉnh Lâm Đồng đang tuần tra kiểm soát tuyến đèo Bảo Lộc thì nhận thông tin chốt CSGT đèo Bảo Lộc (tại Km 103+300, Quốc lộ 20, nằm giữa đèo Bảo Lộc) có hiện tượng sạt lở.
Các cán bộ này trở về chốt CSGT đèo Bảo Lộc để di dời phương tiện, trang thiết bị thì bất ngờ lượng đất đá lớn từ phía trên chốt đổ ập xuống, vùi lấp 3 cán bộ CSGT và 1 người dân đến hỗ trợ di dời tài sản.
Trước đó, rạng sáng 29/6, một vụ sạt lở nghiêm trọng đã xảy ra tại hẻm 36, đường Hoàng Hoa Thám, phường 10, TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Mưa lớn làm vỡ bờ kè bê tông từ trên cao, đất đá tràn xuống 4 ngôi nhà phía dưới trong khu vực.
Sạt lở xảy ra ở nhiều nơi khác trên địa bàn TP.Đà Lạt. Tại địa bàn phường 3, sạt lở đã xảy ra ở đường Đặng Thái Thân, Đống Đa, Triệu Việt Vương, An Bình, Ba tháng Tư… với nhiều mức độ thiệt hại khác nhau khiến 3 căn nhà bị sập, một người bị thương và cây cối ngã đổ. Sạt lở đất xảy ra tại địa bàn phường 5 với mức độ nhẹ.
Ngày 18/6, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở nhiều nơi trên địa bàn thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng). Một căn nhà của một gia đình bị đất sạt lở vùi lấp khiến ông Nghiêm Đình Quang (40 tuổi, trú tại thôn Ánh Mai 1, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc) tử vong; bà Nguyễn Ngọc Lan (35 tuổi, vợ ông Quang) bị thương.
Vụ sạt lở còn vùi lấp, làm hư hỏng nhiều tài sản trong hai phòng kinh doanh karaoke của gia đình ông Trương Đặng, ngay sát gia đình ông Quang. Vụ sạt lở cũng làm ảnh hưởng đến khoảng 15 hộ dân trong khu vực, trong đó có 5 hộ bị uy hiếp nghiêm trọng khiến nhà cửa, tài sản có thể bị vùi lấp bất cứ lúc nào.
Cùng ngày, tại thôn 14 (xã Đam B’ri), mưa lớn đã gây ra vụ sạt lở nghiêm trọng bờ taluy của một hộ dân. Vụ sạt lở kéo theo hơn 40 m đường vận hành D1 thuộc Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị sụt lún, chia cắt. Vụ sụt lún cũng khiến một trụ điện đường dây vận hành của Nhà máy Thủy điện Đam B’ri bị nghiêng và làm hệ thống cáp quang bị đứt.
Tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả
Liên quan đến vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trước tình hình sạt lở gia tăng ở Lâm Đồng, tỉnh cần gấp rút rà soát lại các khu vực có nguy cơ trên toàn địa bàn.
"4 nhóm nguy cơ sạt lở gồm, khu vực có triền dốc, taluy cao; khu vực dốc nhưng không còn rừng để giữ đất; khu vực cheo leo nhưng lại xây dựng dưới chân đồi và cuối cùng là khu vực thay đổi các kết cấu tự nhiên như bê tông hóa, chặt cây nhưng thiếu hệ thống thoát nước", KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay.
Theo KTS Nam Sơn, với mỗi khu vực thì Lâm Đồng cần có biện pháp ứng xử riêng để giảm thiểu tai nạn sạt lở.
Trao đổi với báo chí Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, vụ sạt lở này là một bài học mới, nguy cơ mới cần phải quyết liệt hơn và giải pháp tích cực hơn trong ứng phó với sạt lở đất.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, một trong những nguyên nhân sạt lở ở đèo Bảo Lộc là do mưa quá lớn, lượng mưa 380mm trong bốn ngày liên tục, gấp bốn lần so với bình thường hằng năm.
"Câu chuyện phòng chống sạt lở đất tới đây cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn và bản đồ sạt lở cũng phải tính toán đầy đủ các yếu tố, đặc biệt về địa chất. Nếu chỉ căn cứ vào yếu tố lịch sử chưa chắc đã đúng mà phải căn cứ vào địa chất thực tế và lượng mưa để tính toán các điểm sạt lở cần di dời gấp", ông Hiệp nói.
Từ hiện trường vụ sạt lở là khu vực đất trồng sầu riêng, ông Hiệp nhấn mạnh bất cứ thay đổi nào do tác động của con người thì thiên nhiên sẽ có những thay đổi. Với điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lũ bất thường như hiện nay thì tất cả tác động của con người đều có thể gây ra hậu quả.
Quan trọng nhất hiện nay trong phòng chống sạt lở là phải tôn trọng tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên. Đây cũng là một trong nhiều bài học để các địa phương rút kinh nghiệm trong ứng phó với sạt lở đất.
Mưa lớn vẫn tiếp diễn
Theo Trưởng Phòng Dự báo thời tiết -Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng, thời gian qua, đặc biệt là khoảng thời gian từ ngày 27 đến 13 giờ ngày 30/7, trên khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ trong đó có tỉnh Lâm Đồng có mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến trên 120mm, một số trạm có lượng mưa lớn như đèo Bảo Lộc 371mm, Thủy điện Đa M'bri 345mm, Lộc Tân 337mm, Đa Huoai 298mm.
Do đó, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xuất hiện hiện tượng đất đá bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu, khiến các khối địa chất bị trượt lở. Cùng với đó, mưa lớn kéo dài làm tăng lượng nước thấm vào khối đất, tăng mực nước ngầm trong khu vực bị sạt lở. Khu vực phát sinh sụt, nứt đất bất thường là nền đất mềm, yếu.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mưa to sẽ tiếp tục đến ngày 1/8, có nơi trên 170mm. Từ ngày 2-8/8, khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ tiếp tục có mưa rào, rải rác có dông, cục bộ có mưa vừa, mưa to, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sạt lở đất, sụt lún đất tại khu vực này.
Uy Đạt