Vũ Thư - Thái Bình: Chính quyền địa phương đã làm gì để 'dẹp" bãi tập kết VLXD trái phép?

Chưa hoàn thiện các thủ tục đất đai, môi trường, chưa được cấp phép hoạt động nhưng bến bãi tập kết VLXD tại xã Tân Phong vẫn hoạt động mà chưa bị xử lý.
[VIDEO] Yên Bái: Xử lý hàng chục bãi tập kết cát, sỏi trái phép[VIDEO] Đắk Lắk: Khởi tố vụ án khai thác cát trái phépViện KSND Hà Tĩnh phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối tượng vi phạm quy định về tài nguyênThủ tướng yêu cầu xử lý việc khai thác thạch anh trái phép ở Hà Tĩnh theo kiến nghị của VIASEE

Ngay sau khi Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường có bài viết “Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý” đăng tải thông tin về bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong) hoạt động trái phép suốt một thời gian dài nhưng chưa bị các cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình, huyện Vũ Thư kiểm tra xử lý. Đến chiều ngày 2/8, nhóm Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có buổi trao đổi, làm việc với đại diện một số phòng ban chuyên môn của huyện Vũ Thư.

Tham dự buổi làm việc có các ông Phan Quang Thắng - Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Vũ Thư; ông Nguyễn Quốc Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vũ Thư; ông Hà Tuấn Anh – Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư; ông Nguyễn Văn Dũng chuyên viên phụ trách mảng đê điều Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vũ Thư.

Vũ Thư - Thái Bình: Chính quyền địa phương đã làm gì để 'dẹp" bãi tập kết VLXD trái phép? - Ảnh 1
Theo ghi nhận của Phóng viên trong ngày 1/8, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Ba vẫn ngang nhiên hoạt động.

Mở đầu buổi làm việc, ông Phan Quang Thắng - Chánh Vă phòng HĐND-UBND huyện Vũ Thư khẳng định thời gian qua UBND huyện Vũ Thư luôn phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trong và ngoài tỉnh để cung cấp thông tin trên địa bàn huyện trên cơ sở tôn trọng pháp luật để các cơ quan báo chí truyền thông phản ánh kịp thời, tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, định hướng dư luận. Cũng theo ông Thắng thì trong thành phần buổi làm việc có đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, tuy nhiên do bận họp nên không thể tham dự buổi làm việc cùng Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường.

Tiếp nối ý kiến của ông Thắng, ông Nguyễn Quốc Huy – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Vũ Thư cho biết: Ngay sau khi Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường liên hệ đặt lịch làm việc, ngày 17/7 UBND huyện có văn bản chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì làm rõ thông tin. Đến ngày 24/7, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án huyện, Chi cục quản lý đê điều, Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND xã Tân Phong họp làm rõ nội dung Tạp chí phản ánh.

Vũ Thư - Thái Bình: Chính quyền địa phương đã làm gì để 'dẹp" bãi tập kết VLXD trái phép? - Ảnh 2
Bến bãi của gia đình ông Ba có diện tích 3.157 m2 trong đó có 2.140 m2 đất trồng cây hàng năm do UBND xã Tân Phong quản lý cho thuê, hiện đã hết hạn hợp đồng.

Theo ông Huy, theo bản đồ 2015 thể hiện rõ khu đất ông Trần Đình Ba thuộc địa bàn thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong thuộc thửa đất số 23, có diện tích 3.157 m2, loại đất trồng cây hàng năm. Trong tổng số 3.157 m2 gia đình ông Ba đang quản lý sử dụng, có 2.140 m2 đất công điền được UBND xã Tân Phong cho thuê, số còn lại của gia đình ông Ba mua lại từ các hộ dân được UBND xã Tân Phong giao khoán. Tuy nhiên, hiện hợp đồng giao khoán giữa UBND xã Tân Phong với gia đình ông Ba đã chấm dứt.

Ông Huy nói thêm, theo quyết định số 1983/2016 của UBND tỉnh Thái Bình thì bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba nằm trong quy hoạch bến thủy nội địa được phép hoạt động. Tuy nhiên do vướng mắc về vấn đề chuyển đổi thủ tục đất đai nên bến bãi vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba chưa được cấp phép hoạt động theo quy định. Hiện nay, hoạt động bến bãi tập kết của gia đình ông Trần Đình Ba là hoàn toàn trái phép.

Vũ Thư - Thái Bình: Chính quyền địa phương đã làm gì để 'dẹp" bãi tập kết VLXD trái phép? - Ảnh 3
Hàng ngày, có rất nhiều tàu chở vật liệu xây dựng trọng tải hàng trăm tấn cập mạn gây ảnh hưởng đến an toàn, tuổi thọ của kè Mễ Sơn.

Ý kiến của ông Huy cũng nhận được sự đồng tình từ ông Hà Tuấn Anh – Phó Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Vũ Thư. Trao đổi thêm với Phóng viên, ông Tuấn cho biết hiện nay ngoài việc chưa hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi về đất đai thì gia đình ông Ba cũng chưa thực hiện bất cứ thủ tục giấy tờ gì về vấn đề môi trường.

Trong khi đó theo ông Nguyễn Văn Dũng – Chuyên viên phụ trách mảng đê điều cho biết, năm 2021 khi UBND huyện tiến hành thực hiện công trình kè Mễ Sơn gia đình ông Ba đã tiến hành di chuyển một mố cẩu nằm ngay sát cửa cống. Tuy nhiên theo ông Dũng thì cả 3 mố cẩu hiện nay đều nằm trong phạm vi đảm bảo an toàn kè. Trong khi đó, mỗi ngày có rất nhiều tàu chở vật liệu xây dựng trọng tải hàng trăm tấn cập bến gia đình ông Ba khiến tuổi thọ của kè Mễ Sơn không được đảm bảo.

Cũng theo ông Dũng thì hiện nay Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện thường xuyên nhắc nhở, yêu cầu ông Ba không chiếm dụng, tập kết vật liệu xây dựng trên mái đê tránh gây nguy hiểm đến đê sông Trà Lý.

Vũ Thư - Thái Bình: Chính quyền địa phương đã làm gì để 'dẹp" bãi tập kết VLXD trái phép? - Ảnh 4
Theo ông Huy, hiện bến bãi tập kết VLXD của ông Ba chưa hoàn thiện thủ tục đất đai, môi trường, chưa được cấp phép hoạt động nên mọi hoạt động đều trái phép.

Lý giải về việc chậm trễ trong việc kiểm tra, xử lý sai phạm tại bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba, ông Huy cho biết năm 2022 sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, UBND tỉnh Thái Bình có ý kiến chỉ đạo kiểm tra xử lý sai phạm của gia đình ông Ba, UBND huyện đã tiến hành kiểm tra xử lý xác minh sai phạm của gia đình ông Ba.

Trước ngày 1/9/2022, gia đình ông Ba đã hoàn thành tháo dỡ 1 nhà kho có diện tích 70 m2, và 1 nhà điều hành có diện tích 30 m2 trong khuôn viên bến bãi tập kết vật liệu xây dựng. Hiện trong khuôn viên bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba chỉ còn 1 nhà điều hành được dựng bằng vách tôn, không có công trình kiên cố.

Trong khi đó theo ông Hà Tuấn Anh thì hiện nay chính quyền địa phương không thể yêu cầu tiến hành tháo dỡ 3 mố cẩu vì không có cẩu thì không thể tháo dỡ, bốc xếp hàng hóa từ tàu lên bến bãi. Nếu tháo dỡ mố cẩu, yêu cầu bến bãi tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện thủ tục pháp lý sẽ đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản vì họ đầu tư tất cả tài sản vào đây rồi.

Còn theo ông Huy, việc yêu cầu bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của ông Ba tạm dừng hoạt động cho đến khi hoàn thiện thủ tục pháp lý thuộc thẩm quyền quyết định của UBND huyện Vũ Thư, các phòng ban chỉ có trách nhiệm xác minh tham mưu hướng xử lý cho lãnh đạo UBND huyện.

Trước đó, Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã có bài “Vũ Thư – Thái Bình: Cận cảnh bến bãi tập kết VLXD hoạt động trái phép nhiều năm chưa bị xử lý”, đăng tải thông tin về bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Trần Đình Ba xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang thoát lũ, vi phạm luật đê điều, xâm phạm kè sông Trà Lý,…

Liên quan đến việc xử lý các hành vi sai phạm của gia đình ông Ba, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đã ban hành văn bản số 1363 và văn bản số 1730 vào các ngày 07/06/2022 và 07/07/2022 đề nghị UBND huyện Vũ Thư chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong khẩn trương kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật tài nguyên và môi trường đối với việc bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của hộ gia đình ông Ba.

Đồng thời, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật về tài nguyên, môi trường và pháp luật khác có liên quan theo đúng quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình đề nghị UBND huyện Vũ Thư khẩn trương chỉ đạo các phòng, đơn vị thuộc UBND huyện Vũ Thư, UBND xã Tân Phong giải quyết dứt điểm vụ việc và gửi kết quả giải quyết về Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình trước ngày 31/7/2022.

Sau đó, ngày 12/8/2022 UBND tỉnh Thái Bình đã có công văn số: 470/ VP-NNTNMT giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, UBND huyện Vũ Thư kiểm tra làm rõ hành vi vi phạm đối với bến bãi tập kết vật liệu xây dựng của gia đình ông Ba (thôn Mễ Sơn 1, xã Tân Phong, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Đồng thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định của pháp luật (nếu phát hiện sai phạm), báo cáo UBND tỉnh Thái Bình kết quả thực hiện trước ngày 30/8/2022.

Đến nay đã gần một năm trôi qua, bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trên vẫn ngang nhiên hoạt động mà chưa bị các cơ quan chức năng kiểm tra xử lý như ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Thái Bình trước đó.

Theo PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch sáng lập Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE), đất đai là tài nguyên vô cùng quý giá, phải mất hàng triệu năm phong hóa mới có thể hình thành được lớp đất màu mỡ, phì nhiêu. Thế nhưng hiện nay, rất nhiều diện tích đất phì nhiêu, bờ xôi ruộng mật bị chuyển đổi mục đích sử dụng một cách bất hợp lý và lãng phí.

“Trong khi nhiều quốc gia phải mua đất để canh tác nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, thì chúng ta lại sử dụng một cách lãng phí tài nguyên đất. Vậy phải làm thế nào để khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chúng ta vẫn giữ được lớp đất phì nhiêu quý giá ấy?. Đây là một trong số những vấn đề mà VIASEE muốn góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, PGS.TS Trương Mạnh Tiến nói.

Cũng liên quan đến câu chuyện về thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều chuyên gia về Kinh tế Môi trường đánh giá cao việc luật đã đưa thêm các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật, trong đó có việc sử dụng đất không đúng mục đích.

Cụ thể, Theo Điều 81 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Sử dụng đất không đúng mục đích; Đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư; Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường tiếp tục thông tin!

Nhóm Phóng viên

Xem thêm

Liên kết