Xã hội hóa xử lý chất thải rắn

Những hạn chế trong quản lý chất thải đang ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế và tăng trưởng bền vững ở Việt Nam. Các hậu quả về môi trường và sức khỏe cộng đồng khá nghiêm trọng.
Hiện đại hóa công nghệ xử lý chất thải rắn: Mở cơ chế cho điện rác phát triểnLựa chọn công nghệ xử lý chất thải rắn phù hợp

Ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã đưa ra dự báo với Việt Nam về phát sinh chất thải rắn sinh hoạt là 8,4%/năm đối với khu vực đô thị và tổng mức độ tăng dự báo khoảng 5% mỗi năm, tổng lượng chất thải ước trên cả nước tính tăng lên 54 triệu tấn vào năm 2030.

Theo đánh giá của WB, quản lý chất thải ở Việt Nam có đặc điểm là khá hạn chế trong việc thu gom, xử lý và tiêu hủy đối với hầu như tất cả các loại chất thải. Đối với các loại chất thải khác nhau, việc quản lý và hoạt động gắn liền với hạn chế trong giám sát và thiếu vốn để đầu tư và vận hành. Do đó, một lượng lớn các loại chất thải không được xử lý hoặc tiêu hủy một cách có kiểm soát.

Đặc biệt ở những địa phương có mức phát thải cao và mật độ dân số cao, dẫn đến nước ngầm bị ô nhiễm, nguồn nước bị nhiễm bẩn, ô nhiễm đất, lây lan bệnh tật và bị phơi nhiễm với ô nhiễm không khí nghiêm trọng từ đốt chất thải.

Không chỉ có vậy, quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế và dân số một cách nhanh chóng đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao, với khối lượng phát sinh chất thải ở Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng chưa đầy 15 năm. Bởi vậy, theo khuyến nghị của WB, thời gian tới, Việt Nam cần ưu tiên các cơ sở xử lý quy mô lớn sử dụng công nghệ hiện đại và tập trung đáng kể vào việc tái chế và nâng cấp các bãi chôn lấp để ngăn chặn các tác động môi trường và sức khỏe.

xa hoi hoa xu ly chat thai ran
Quá trình đô thị hóa, cùng với việc tăng trưởng kinh tế đang tạo ra lượng chất thải ngày càng tăng cao. (Ảnh: Hoàng Minh)

Tích tụ rác thải trong môi trường còn lớn

Tái chế chất thải bị chi phối bởi khu vực không chính thức, các vật liệu tái chế được xử lý tại các làng nghề mà không có sự giám sát hoạt động xử lý phù hợp và gây ô nhiễm đáng kể và các mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe người lao động và môi trường. Việt Nam có 2.800 làng nghề bao gồm không chỉ có những làng nghề thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch mà còn nhiều làng nghề về hoạt động công nghiệp và những làng nghề chuyên tái chế tất cả các loại nhựa phế thải, kể cả từ rác thải.

Khu vực không chính thức thường thu gom những vật liệu tái chế có giá trị nhất trực tiếp từ các hộ gia đình và ở đường phố trước khi chất thải đi vào kênh thu gom chính thức. Khu vực không chính thức phân loại, đóng kiện và bán sản phẩm cho ngành công nghiệp chế biến, tái chế khoảng 10% chất thải rắn sinh hoạt. Việc chế biến các vật liệu tái chế chủ yếu được thực hiện ở các làng nghề mà không có quy định, giám sát và thực thi đúng đắn về quy trình tái chế thích hợp. Những hoạt động này dẫn đến ô nhiễm đáng kể về không khí, nước, đất và các mối nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe người lao động. Đồng thời, các làng nghề tạo ra số lượng việc làm đáng kể.

Nhận thức cộng đồng thấp, tiếp cận hạn chế với hệ thống thu gom rác thải và tái chế chính thức dẫn đến việc xả rác thải bất hợp pháp của các hộ gia đình vào các kênh, hồ và ruộng lúa, trên các bãi biển và vào đại dương. Các nhóm tình nguyện, các sáng kiến tăng cường sự tham gia của người dân để làm sạch thành phố và nâng cao ý thức về các vấn đề chất thải rắn đã được triển khai, nhưng vẫn chưa đủ để tránh được sự tích tụ chất thải và nhựa trong môi trường.

Ngay cả đối với chất thải được thu gom bởi chính quyền đô thị, phần lớn vẫn được xử lý trong các bãi chôn lấp với thiết kế không hợp vệ sinh và quản lý yếu kém, gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để hướng tới các mục tiêu quản lý chất thải đã được phê duyệt, cần phải xây dựng quy hoạch/lộ trình mang tính thực tế để quản lý chất thải trong tương lai, có xét đến tính bền vững tài chính của cơ sở hạ tầng, khả năng chi trả, cải cách thể chế, pháp lý và tăng cường năng lực và nhận thức/tiếp cận cộng đồng. Với nhu cầu cải cách rộng như vậy, cần xác định nhu cầu về cơ sở hạ tầng và tăng cường năng lực, các ưu tiên và lĩnh vực hành động, các cân nhắc về hiệu quả chi phí, tiêu chí chấp nhận của xã hội sẽ có vai trò trong quá trình ra quyết định.

Theo Mai Chi/TNMT