Xử lý tro xỉ điện than ở Việt Nam: Làm sao để cân bằng môi trường và kinh tế?

Các chuyên gia đánh giá ưu điểm của nhiệt điện than là nguồn điện ổn định quanh năm, ít phụ thuộc các yếu tố bất thường. Tuy nhiên, khi nhiệt điện than càng phát triển, công suất càng cao thì vấn đề xử lý tro xỉ để không ảnh hưởng đến môi trường lại càng trở nên bức thiết.
Công suất điện than toàn cầu sụt giảm kỷ lục trong lịch sửCông suất các nhà máy điện than sẽ giảm còn 8.760 MW vào năm 2025Nhiều công trình thuỷ điện Hà Giang vi phạm, ngang nhiên khai thác 'chui' hồ nước?

Quy hoạch điện của Việt Nam hiện nay đã cho thấy, các nhà máy nhiệt điện chạy than đang chiếm tỉ trọng nhiều nhất với khoảng 26 nhà máy, tổng công suất khoảng 26.000 MW (chiếm 42,7% công suất nguồn toàn hệ thống), sản xuất khoảng 131 tỉ kWh (chiếm 49,3% sản lượng điện).

Nguy cơ không còn chỗ chứa tro xỉ nhiệt điện than

Theo ông Trần Đình Sính, chuyên gia năng lượng, Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, năm 2019 các nhà máy nhiệt điện than đang vận hành, tiêu thụ khoảng 47,8 triệu tấn than/năm, thải ra hàng năm hơn 16,4 triệu tấn tro xỉ, thạch cao và tổng diện tích các bãi thải xỉ khoảng hơn 700 ha.

Đến năm 2030, nếu không được xử lý, tro xỉ tồn đọng là 422 triệu tấn và mỗi năm thải ra thêm 32 triệu tấn nữa. Nếu chiều cao bãi chứa tro xỉ khoảng 5 m thì chúng ta cần 65 km2, gần bằng diện tích thành phố Huế (71,6k m2) để chứa tro xỉ tồn đọng và mỗi năm cần thêm khoảng 5 km2 để chứa tro xỉ tăng thêm.

Lượng tro xỉ khổng lồ thải ra hàng năm đã khiến dư luận, đặc biệt là các cộng đồng nơi có nhà máy nhiệt điện than hoạt động không khỏi lo ngại.

Trên thực tế, lượng tro bay sinh ra trong quá trình hoạt động của các nhà máy nhiệt điện là rất lớn. Dù thông thường, các nhà máy điện than lắp lọc bụi tĩnh điện (ESP) để thu gom tro bay với hiệu suất lọc hơn 99%. Tuy nhiên, ước tính lượng bụi (đường kính nhỏ hơn 100 micromet) thoát ra ngoài không khí từ một nhà máy công suất 1.200 MW lên đến 7,8 tấn/ngày. Trong đó lượng bụi mịn (đường kính dưới 2,5 micromet) là 2,3 tấn/ngày. Lượng bụi này có thể theo gió đi xa hàng trăm đến hàng ngàn cây số, gây tổn hại cho sức khỏe con người như gây bệnh ung thư, tim mạch, phổi.

Bên cạnh đó, nguy cơ ô nhiễm từ bãi tro xỉ và từ nước rò bãi xỉ cũng là nỗi sợ hãi của rất nhiều hộ dân sinh sống gần đó.

Để xử lý tro xỉ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các Quyết định số 1696/ QĐ-TTg năm 2014 và Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 về tiêu thụ tro xỉ thạch cao của các nhà máy điện, trong đó có quy định các nhà máy điện than chỉ được thiết kế bãi chứa tro xỉ có dung tích chứa trong 2 năm. Quyết định cũng giao nhiệm vụ cho các bộ như Bộ Xây dựng, Công thương, Khoa học Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư và các UBND các tỉnh ban hành các các tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng tro xỉ.

xu ly tro xi dien than o viet nam lam sao de can bang moi truong va kinh te

Khi nhiệt điện than càng phát triển, công suất càng cao thì vấn đề xử lý tro xỉ để không ảnh hưởng đến môi trường lại càng trở nên bức thiết. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, hiện rất nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa được ban hành nên các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý tro xỉ. Cũng vì thế mà các doanh nghiệp bối rối không biết phải sử dụng tro xỉ như thế nào.

Bên cạnh đó, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập trong nghiên cứu và công bố các thông tin về tro xỉ nhiệt điện ở Việt Nam. Cụ thể, theo các tài liệu quốc tế, trong tro xỉ có thể chứa nhiều chất độc hại, kim loại nặng, thậm chí cả phóng xạ. Tuy nhiên mỗi loại công nghệ đốt đi kèm với mỗi loại than sẽ cho ra tỉ lệ tro xỉ và hàm lượng các chất còn lại trong tro xỉ cũng khác nhau.

“Theo một báo cáo của Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội ngày 1/11/2019, nồng độ thủy ngân trong than Quảng Ninh khá lớn, ước tính 0,446 mg/kg. Nếu năm 2030 đốt khoảng 129 triệu tấn than/năm (riêng than nội khoảng 45 triệu tấn/năm) thì ước tính lượng thủy ngân xả ra từ than nội là khoảng 7 tấn/năm. Đó là chưa kể khoảng 85 triệu tấn than nhập hàng năm.

Một số nghiên cứu cũng phát hiện than ở mỏ than Nông Sơn (Quảng Nam) có phóng xạ. Hiện nay, đang có Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn 30 MW đang sử dụng than này. Vậy hàm lượng phóng xạ tại tro xỉ là bao nhiêu? Thủy ngân tồn đọng trong các loại tro xỉ khác ở Việt Nam là bao nhiêu? Ngoài thủy ngân, trong tro xỉ còn chứa chất độc nào khác không, hàm lượng là bao nhiêu? Tất cả đều là những câu hỏi rất được dư luận quan tâm nhưng câu trả lời từ các cơ quan chức năng vẫn còn bỏ ngỏ” - ông Sính phân tích.

Giải bài toán xử lý tro xỉ điện than hiệu quả

Thực tế, việc sử dụng tro, xỉ đã phổ biến trên thế giới trong hơn 50 năm qua. Cụ thể, tại các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… tro, xỉ từ nhà máy nhiệt điện than được sử dụng trong xây dựng đường sá, làm phụ gia trong sản xuất xi măng, bê tông và vật liệu xây dựng. Tro bay nếu đạt tiêu chuẩn dùng làm phụ gia cho sản xuất xi măng sẽ làm giảm chi phí sản xuất xi măng; bê tông dùng tro bay sẽ làm giảm lượng xi măng và làm tăng tính bền chắc của công trình. Ngoài ra, tro xỉ còn được sử dụng để làm chất liên kết gia cố các công trình giao thông, sản xuất gạch không nung, bê tông nhẹ, làm tấm trần, tường thạch cao, gốm sứ...

xu ly tro xi dien than o viet nam lam sao de can bang moi truong va kinh te
Sản xuất vật liệu không nung từ tro, xỉ nhà máy nhiệt điện. (Ảnh: Báo Nhân Dân)

Năm 2015, tổng số tro xỉ được tái sử dụng ở Mỹ chiếm hơn 50% lượng phát sinh.Tuy nhiên, tính đến năm 2011, tỉ lệ sử dụng tro, xỉ trung bình trên thế giới chỉ là 53,5%. Trong đó, cao nhất là Nhật Bản (96,4%). Nhật Bản đạt được tỉ lệ sử dụng 96,4% vì có 3 điều kiện thuận lợi: tài nguyên thiên nhiên khan hiếm, chi phí chôn lấp rất cao (100 USD/tấn) và cuối cùng là lượng than dư (than sống còn lại sau khi đốt) trong tro, xỉ rất thấp - chỉ khoảng 6,6%.

Tại Việt Nam, hiện nay, một số doanh nghiệp đã sử dụng tro xỉ nhiệt điện để làm đường giao thông, sản xuất gạch không nung… Các nhà máy nhiệt điện đã bán tro xỉ với giá rất rẻ chỉ khoảng 10-20 nghìn đồng/tấn nhằm cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất nguyên liệu xây dựng.

Tuy nhiên, chuyên gia năng lượng Trần Đình Sính nhấn mạnh, tro xỉ có thể sử dụng được làm vật liệu xây dựng hay các việc khác ở nước ta hay không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan chức năng công bố đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia và chỉ dẫn kỹ thuật để sử dụng tro xỉ.

“Chính phủ đã phân công chức năng nhiệm vụ cho các bộ, ngành rõ ràng trong Quyết định số 1696/2014/QĐ-TTg và Quyết định số 452/2017/QĐ-TTg. Vấn đề ách tắc là do sự chậm trễ của các bộ, ngành trong việc triển khai các hướng dẫn, chương trình phù hợp với các quyết định này” - Phó giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) chia sẻ.

Chia sẻ về các giải pháp dài hơi, ông Trần Đình Sính cho rằng: “Đã đến lúc không nên xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2020 vì nó không còn rẻ nữa và quá rủi ro cho an ninh năng lượng quốc gia, cho môi trường sống và sức khỏe của người dân”.

Báo cáo Gánh nặng bệnh tật từ phát thải của nhà máy điện than ở Đông Nam Á của các nhà khoa học Đại học Harvard chỉ ra rằng, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện của Việt Nam vào năm 2030 khoảng 76.000 MW vẫn tương đương công suất trong Quy hoạch điện VII. Thiệt hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe do tăng cường phát triển điện than ở Việt Nam đến năm 2030 là rất lớn.

Kết quả đưa ra mức phát thải chất ô nhiễm không khí năm 2030 như sau: 630.000 tấn SO2, 690.000 tấn NOx và 70.000 tấn PM2.5. Với mức phát thải như vậy, ước tính đến năm 2030, số ca tử vong sớm do ô nhiễm điện than Việt Nam là 19.220 ca. Việt Nam cũng là nước đóng góp ô nhiễm xuyên biên giới lớn nhất trong khu vực.

Ngọc Châu
Ngọc Châu
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường

Xem thêm

Liên kết