Theo Tổng cục Thủy sản, trong 10 tháng năm 2019, tổng sản lượng thuỷ sản ước đạt gần 6,7 triệu tấn tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 7,06 tỉ USD (tỉ trọng chiếm 21,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp).
Trong đó nuôi tôm nước lợ tăng khoảng 4,4%, nuôi tôm sú tăng 1,6% và nuôi tôm thẻ tăng hơn 8%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,76 tỉ USD. Giá tôm nguyên liệu loại 1 tại đồng bằng sông Cửu Long giá khoảng 95.000 đồng/kg.
Mặt hàng cá tra, sản lượng ước đạt 1,19 triệu tấn tăng 8,6%, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,66 tỉ USD.
Xuất khẩu thuỷ sản hướng đến mục tiêu 9 tỉ USD trong năm 2019 |
“Giá cá nguyên liệu thời gian qua ở mức thấp do sản lượng cá tra tăng cao. Tuy nhiên, đối với các hộ tham gia chuỗi liên kết thì giá cá cao hơn thị trường đảm bảo có lãi từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Dự kiến nguồn cung cấp cá nguyên vẫn còn nhiều, đủ đáp ứng cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Giá cá tra đang có xu hướng tăng lên” - ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết.
Hiện nay, Ấn Độ và các nước nuôi tôm đã hết vụ sản xuất tôm chính, nhu cầu thuỷ sản tăng, các thị trường trọng điểm như: EU, Mỹ, Trung Quốc có nhu cầu tăng vào cuối năm. Giá tôm, cá tra nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long hiện tăng trở lại do nhà máy chế biến tăng mua.
Các hiệp định tự do thương mại và việc Mỹ công nhận tương đương hệ thông kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn của Việt Nam sẽ là động lực quan trọng cho xuất khẩu. Dự báo, sản lượng tôm và cá tra đạt và vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Do đó, giá tôm, cá tra xuất khẩu sẽ khó tăng lên.