128 dự án ở Lâm Đồng phải bồi thường do để mất rừng

Thông tin mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến thời điểm hết tháng 12/2020, toàn tỉnh có 128 dự án của 128 doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do để mất rừng.
Phá rừng và cái giá phải trảVụ phá rừng phòng hộ ở Lâm Đồng: Nhiều dự án để xảy ra mất rừngThủ tướng yêu cầu xử nghiêm hành vi phá rừng tự nhiên, không có vùng cấm
tm-img-alt
Hiện trường vụ phá rừng phòng hộ tự nhiên tại huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Từ năm 2005 đến nay, Lâm Đồng ban hành quyết định thu hồi 200 dự án đang quản lý 31.760 ha rừng trong toàn tỉnh mà nguyên nhân chủ yếu là để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn. Cụ thể, tại Báo cáo số 104/BC-SNN ngày 26/4/2021 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nêu rõ 128 dự án phải bồi thường thiệt hại do để mất tới 1.959 ha rừng; trong đó, số tiền phải bồi thường lên tới gần 336 tỉ đồng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này mới thực hiện đóng tiền bồi thường gần 51 tỉ đồng. Trong 128 dự án nêu trên, có 35 dự án đã bị thu hồi toàn bộ dự án với tổng số tiền trên 90 tỉ đồng. Theo Kết luận thanh tra Chính phủ số 929/KL-TTCP ngày 12/6/2019, trong giai đoạn từ năm 2013- 2018, toàn tỉnh Lâm Đồng có 82 doanh nghiệp chưa thu hồi được tiền bồi thường tài nguyên rừng do để rừng bị phá, bị lấn chiếm với tổng số tiền gần 242 tỉ đồng.

Để triển khai Kết luận 929 của Thanh tra Chính phủ, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch thực hiện từ ngày 14/8/2020.

Cho đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 14 tỉ đồng tiền đền bù giá trị lâm sản, thu hồi 23,4 tỉ đồng tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng.

Hiện vẫn còn 11 doanh nghiệp chưa thực hiện mồi thường hơn 6 tỉ đồng tiền bồi thường giá trị lâm sản; 40 doanh nghiệp chưa bồi thường gần 180 tỉ đồng tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trong 35 dự án đã bị thu hồi toàn bộ thì việc đôn đốc các doanh nghiệp này nộp tiền bồi thường giá trị tài nguyên rừng (trên 90 tỉ đồng) là không khả thi.

Một số dự án chưa bị thu hồi, nhưng các doanh nghiệp chây ỳ, không chấp hành việc nộp tiền bồi thường dù đã được các cơ quan chức năng đôn đốc nhiều lần; tổng số tiền phải bồi thường về môi trường quá cao, nên hầu hết các doanh nghiệp không có khả năng thực hiện.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã thay đổi địa chỉ trụ sở, thay đổi người đại diện theo pháp luật… nhưng không thông báo cho cơ quan chức năng, gây khó khăn cho việc liên hệ, đôn đốc.

Đặc biệt, còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các ban ngành trong việc ngăn chặn vi phạm… Từ các khó khăn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo cơ quan điều tra Công an tỉnh tiếp nhận hồ sơ từ Sở gồm 37 doanh nghiệp với số tiền trên 178 tỉ đồng; trong đó, có 26 doanh nghiệp không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Đối với các doanh nghiệp còn đang hoạt động, đang thực hiện dự án, nhưng không chấp hành nghĩa vụ tài chính thì không xem xét điều chỉnh bất cứ hoạt động nào của dự án như gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, thay đổi mục tiêu, điều chỉnh hoặc chuyển nhượng dự án… Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hút 488 dự án với 473 doanh nghiệp có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, trong số đó có 200 dự án phải ra quyết định thu hồi.

Nguyên nhân chủ yếu do các chủ dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ, không tổ chức, bố trí lực lượng quản lý, bảo vệ rừng, để rừng bị phá, lấn chiếm trái phép mà không có biện pháp ngăn chặn.

Toàn tỉnh hiện còn 324 dự án với 309 doanh nghiệp được giao, cho thuê đất, thuê rừng để đầu tư phát triển dự án với tổng diện tích 52.859ha... 

Chu Quốc Hùng

Xem thêm

Liên kết