Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm hành vi phá rừng tự nhiên, không có vùng cấm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương những thành tựu mà ngành nông nghiệp đạt được trong năm qua. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, trong đó nhấn mạnh vẫn còn tình trạng phá rừng tự nhiên đồng thời yêu cầu phải xử lý nghiêm hành vi này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về ứng phó dịch COVID-19Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cần 'tăng trưởng xanh' trong phát triển ngành dệt mayTổng cục Lâm nghiệp: Gia Lai cần cân nhắc chuyển đổi 174 ha đất rừng làm sân golfGia Lai quyết chuyển đổi 174 ha đất rừng làm sân golf?
tm-img-alt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)

Chiều 24/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác ngành năm 2020; triển khai kế hoạch năm 2021.

Kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá năm 2020, trong bối cảnh khó khăn chưa từng có, ngành nông nghiệp vẫn đóng góp trên 10 tỉ USD vào xuất siêu cho nền kinh tế nước ta.

Thủ tướng đánh giá cao ngành nông nghiệp hoàn thành 4 chỉ tiêu quan trọng: Tăng trưởng GDP toàn ngành trên 2,65%. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 41,2 tỉ USD (tăng 2,5% so với năm 2019), thặng dư thương mại toàn ngành đạt 10,4 tỉ USD, 5 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD, đặc biệt là gỗ đạt trên 12,8 tỉ USD, tôm 3,66 tỉ USD, rau quả 3,35 tỉ USD, hạt điều 3,24 tỉ USD và gạo 3,07 tỉ USD. Tỉ lệ che phủ của rừng đạt 42%. Tỉ lệ xã đạt tiêu chí nông thôn mới đạt trên 62%, vượt xa mục tiêu đề ra (mục tiêu đến năm 2020 là 50%).

Công tác chỉ đạo và điều hành của Bộ sát sao, đúng và trúng. Đặc biệt đồng chí Bộ trưởng rất sâu sát, kịp thời tham mưu, kịp thời xử lý, đặc biệt những vấn đề nhạy cảm.

Xây dựng nông thôn mới vượt trước kế hoạch đề ra. Thủ tướng cho rằng, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, nhiều nơi “phố trong làng” đã xuất hiện, quan trọng hơn nữa là đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét. Kể lại câu chuyện đến Hải Dương dự ngày hội đại đoàn kết dân tộc vừa qua, Thủ tướng chia sẻ, “thấy nông thôn mà toàn nhà lầu xe hơi”.

Tại hội nghị, Thủ tướng trân trọng biểu dương, đánh giá cao lãnh đạo Bộ NN&PTNT, các địa phương, các cấp, các ngành có liên quan vượt khó, đổi mới sáng tạo, đóng góp quan trọng của thành tích chung của cả nước. Đặc biệt bà con nông dân chịu thương chịu khó vượt qua thiên tai, lũ dữ, bão lớn, dầm mưa, dãi nắng để cùng Chính phủ, các bộ, ngành vượt qua khó khăn để có thành công ngày hôm nay.

Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, “thấy mừng mà cũng thấy lo” là tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa thực sự bền vững, nhất là khi chịu tác động của các cú sốc thiên tai, dịch bệnh. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, thủy lợi, thủy sản, giao thông nông thôn còn nhiều bất cập so với yêu cầu. Thu nhập và đời sống của phần lớn nông dân còn thấp so với khu vực thành thị. Lao động nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng lao động xã hội.

Cho rằng tình trạng phá rừng tự nhiên còn diễn ra, Thủ tướng nêu rõ, phải xử lý nghiêm hành vi này, bất kể là ai, không có vùng cấm.

tm-img-alt
Nhiều cánh rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Nam bị tàn phá. (Ảnh: Báo Người lao động)

Tập trung nâng cao chất lượng rừng

Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, biến nguy cơ thành thời cơ, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP.

Đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỉ USD.

Tỉ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỉ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có gần 20.00 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập của người nông dân tăng gấp 1,5 lần hiện nay, tỉ lệ hộ nghèo vùng nông thôn còn dưới 5%.

Đặc biệt, Thủ tướng nhắc lại phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỉ cây xanh ở đô thị và nông thôn.

tm-img-alt
Gia Lai muốn chuyển đổi hơn 155 ha rừng trồng thông làm dự án sân golf.

Trong khi một lần nữa Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu trồng thêm 1 tỉ cây xanh, thì tỉnh Gia Lai lại đi ngược với chủ trương của Thủ tướng khi tỉnh này muốn chuyển đổi đất rừng làm dự án sân golf.

Cụ thể, mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã có văn bản về việc thẩm định hồ sơ xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để xây dựng dự án sân golf Đắk Đoa (huyện Đắk Đoa, Gia Lai) do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm nhà đầu tư.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, dự án sân golf Đắk Đoa khi xây dựng và đi vào hoạt động sẽ phải chuyển mục đích sử dụng hơn 174 ha đất rừng (trong đó có hơn 155 ha rừng trồng thông từ năm 1976, trữ lượng hơn 15 nghìn m2), làm mất đi vĩnh viễn thảm thực vật rừng lớn đã ổn định gần 50 năm, ảnh hưởng đến cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.

Tuy nhiên, UBND tỉnh Gia Lai cho rằng, việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa đã được ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN) và lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp kiểm tra tại hiện trường và đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ: "Việc sử dụng đất rừng của dự án sân golf Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai bảo đảm phù hợp quy hoạch đất đai, bảo vệ phát triển rừng".

Cũng theo UBND tỉnh Gia Lai, dự án sân golf Đắk Đoa đã được đưa vào quy hoạch từ năm 2009. Khi được xây dựng, đây sẽ tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra quỹ đất xanh, các công trình hiện đại đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện sức khỏe.

Trong 174 ha đất thực hiện dự án có 155,93 ha đất có rừng, 18,08 ha chưa có rừng. Tỉnh Gia Lai xác định khi làm sân golf sẽ hạn chế việc chặt hạ cây rừng, ưu tiên di thực cây để bảo vệ cảnh quan môi trường.

Khả Như
Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường