Trận đánh giành thị phần khốc liệt
Năm 2017, trong một buổi làm việc với câu lạc bộ LBC với chủ đề công nghệ 4.0, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Công ty TNHH Grab Việt Nam khẳng định:“Chúng tôi đã xong trận đánh giành thị phần”.
Thực tế, chỉ trong vòng 3 năm gia nhập thị trường gọi xe công nghệ, Grab Việt Nam đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và chiến thắng tuyệt đối trên cả hai “mặt trận” gồm xe ôm và taxi truyền thống. Hàng loạt hãng taxi truyền thống, đội quân xe ôm hùng hậu… đã lao đao vì “tân binh” Grab.
Không có số liệu thống kê về xe ôm truyền thống nhưng hiện tượng rất nhiều tài xế bỏ thói quen đứng ở góc phố, gia nhập đội quân Grab… cho thấy sự thất thế của xe ôm truyền thống trước Grab. Các tài xế truyền thống còn lại phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, lượng khách sụt giảm đáng buồn.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, CEO Grab Việt Nam khẳng định:“Chúng tôi đã xong trận đánh giành thị phần” |
Sự lấn lướt của đội ngũ chạy "xe ôm Grab" trong những năm đầu đã gây ra nhiều vụ tranh chấp địa bàn, thậm chí xảy ra nhiều vụ đánh lộn giữa xe ôm truyền thống với "xe ôm Grab". Điều đó càng chứng tỏ sự thất thế của xe ôm truyền thống trong việc giành giật thị phần.
Trong cuộc đua ứng dụng công nghệ 4.0, taxi truyền thống Việt Nam cũng lâm vào cảnh mất thị phần rất lớn vào tay “taxi công nghệ”. 5 năm kể từ khi Uber và Grab bước chân vào thị trường Việt Nam, tính đến giữa năm 2018, đã có 40 hãng taxi truyền thống biến mất trên thị trường. Một số hãng tồn tại bằng cách liên kết với nhau để tìm đường sống, cũng không hề dễ dàng. Ví dụ, vào tháng 5/2018, taxi Long Biên đã sáp nhập taxi Phú Thụy và giữ thương hiệu taxi Long Biên. Các "ông lớn" như Mai Linh và Vinasun thì lao đao chưa từng có.
Sự lao đao của các hãng taxi được thể hiện qua kết quả kinh doanh ngày càng lao dốc, sụt giảm doanh số và lợi thuận rơi thảm hại… Cụ thể, Vinasun cho biết lợi nhuận sau thuế năm 2017 chỉ còn 191 tỉ đồng so với con số 312 tỉ đồng của năm 2016. Tới năm 2018, tình hình còn tồi tệ hơn khi lợi nhuận chỉ duy trì ở mức 89 tỉ đồng do doanh thu “rơi tự do”. Có thời điểm Vinasun gây sốc khi quyết định sa thải tới 10.000 người lao động. Không chấp nhận kết cục thua cay đắng, cuộc chiến giành thị phần giữa taxi truyền thống với Grab đạt đỉnh khi Vinasun chọn giải pháp kiện Grab ra toà.
Taxi công nghệ như Grab, Go-Viet đã khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào cảnh lao đao |
Đối với Tập đoàn Mai Linh, việc mất thị phần của hãng taxi này đã góp phần khiến Mai Linh thua lỗ thê thảm. Năm 2017, kiểm toán Deloitte nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Mai Linh do âm vốn lưu động gần 1.300 tỉ đồng, lỗ lũy kế gần 800 tỉ đồng. Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh cũng không ngừng “đổ lỗi” cho Grab.
Không chỉ xe ôm, taxi truyền thống tại Việt Nam đã thất bại trong cuộc chiến giành giật thị phần với Grab, mà ngay cả Uber, khi tham gia tại thị trường Việt Nam cũng bị Grab thôn tính trong những nước đi bài bản và đầy toan tính.
Nhưng lợi nhuận… thất bại?
Chiếm lĩnh toàn bộ thị trường gọi xe, nhưng thắng lợi này của Grab Việt Nam lại không đồng nghĩa với việc làm ăn có lãi. Bởi năm 2017, lãnh đạo Grab Việt Nam khẳng định đã xong trận đánh thị phần, nhưng công ty lại báo lỗ. Tình trạng thua lỗ kéo dài sang tận năm 2018.
Đặt chân vào thị trường Việt Nam từ năm 2014, nhưng đến nay sau 5 năm hoạt động, Grab Việt Nam vẫn liên tiếp báo lỗ, năm sau lỗ luôn cao hơn năm trước.
Cụ thể, báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy, lợi nhuận sau thuế của Grab bị âm 51,7 tỉ đồng và lỗ tới 442 tỉ đồng trong năm 2015. Số lỗ tiếp tục duy trì ở mức 445 tỉ đồng trong năm 2016, bất ngờ Grab bão lỗ đột biến 789 tỉ đồng. Số thua lỗ ngày càng tăng, đi ngược lại với sự mở rộng mạng lưới và thị phần chóng mặt của Grab.
Năm 2018, lợi nhuận của Grab đạt mức lỗ cao nhất là 885 tỉ đồng.
Đồ thị thua lỗ của Grab trong 5 năm qua là một đường dốc cao, bất chấp doanh thu tăng trưởng cao ấn tượng cùng những tham vọng bành trướng mở nhiều dịch vụ như giao nhận, thực phẩm, quảng cáo, truyền thông, tài chính… Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Grab Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2014 là 1,47 tỉ đồng; năm 2015 là 32,3 tỉ đồng; năm 2016 là 187,9 tỉ đồng, năm 2017 đạt 758,8 tỉ đồng. Doanh thu của năm 2018 đạt mức kỷ lục là 2.194,5 tỉ đồng.
Doanh thu tăng trưởng “thần tốc” nhưng lợi nhuận của Grab Việt Nam lại lao dốc thảm hại |
Trong hoạt động kinh doanh, việc thua lỗ ở giai đoạn đầu đi vào khai thác của Grab là do chi phí đầu tư lớnChuyên gia cho rằng, dù có lạc quan nghĩ rằng việc thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của Grab Việt Nam trong thời kỳ đầu, có thể do chính sách kinh doanh. Nhưng cũng không thể không nghi ngại về các con số thua lỗ tăng dần theo năm. Thậm chí, có thể khẳng định rằng, các con số đó chứng mình rằng, Grab Việt Nam đã đại bại về lợi nhuận.
Cứu cánh duy nhất là Grab Inc.
Có thể thấy, Grab Việt Nam đang trong men say chiến thắng trong cuộc chiến giành thị phần, nhưng lợi nhuận cũng là một chỉ tiêu không nên bị bỏ quên. Bản thân Grab Việt Nam cũng nhận thức được điều này và không giấu việc phụ thuộc vào nguồn tiền vay "ưu đãi" mà Grab Inc. dành cho Grab Việt Nam.
Trong báo cáo tài chính năm 2018, với những con số lợi nhuận thua lỗ rất lớn qua nhiều năm, liệu rằng Grab Việt Nam có thể duy trì khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp là điều chưa rõ ràng? Trong khi đó, Grab Việt Nam cũng đang “gồng” nợ rất lớn với tổng nợ ngắn hạn lên tới 2.592 tỉ đồng, vượt cả tổng tài sản ngắn hạn là 1.453 tỉ đồng.
Đáng chú ý, Grab Việt Nam còn ghi nhận các khoản vay đáng kể cần tái tài trợ trong vòng 12 tháng kế tiếp.
Grab Việt Nam cho hay, “giá trị của giả định hoạt động liên tục sử dụng trong việc lập báo cáo tài chính riêng này cơ bản tùy thuộc vào việc Grab Inc., nhà đầu tư, tiếp tục cung cấp các hỗ trợ tài chính cần thiết nhằm giúp công ty (Grab Việt Nam - PV) có thể thanh toán các khoản nợ phải trả khi đến hạn và duy trì sự tồn tại và hoạt động liên tục của công ty trong một tương lai có thể dự kiến trước được”. Grab Việt Nam khẳng định: “Tại thời điểm lập báo cáo này, không có lý do gì để Ban Giám đốc tin rằng Grab Inc. sẽ không tiếp tục sự hỗ trợ của họ”.