Cụ thể, khoản tài trợ này được cam kết tại một sự kiện bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, tập trung vào mục tiêu "30 by 30", nhằm bảo vệ 30% đất và nước trên hành tinh trong thập kỉ tới. Các nhà bảo tồn cho rằng những cam kết này đã giúp thu hẹp khoảng cách tài trợ đa dạng sinh học.
Theo các nhà khoa học và nhà bảo tồn nhận định, đây là chìa khóa để bảo vệ đa dạng sinh học, bao gồm hàng triệu loài và các quá trình tự nhiên trong các hệ sinh thái như rừng nhiệt đới và đại dương, đồng thời đang bị đe dọa bởi các hoạt động do con người điều khiển như nông nghiệp công nghiệp, đánh bắt cá và phát thải khí nhà kính.
Theo Công ước về Đa dạng sinh học - một cơ chế liên Chính phủ của Liên Hợp Quốc dẫn đầu các cuộc đàm phán về đa dạng sinh học toàn cầu, thế giới sẽ cần khoảng 150 tỉ USD mỗi năm để bảo tồn sinh học và hành động đó được gọi là các sáng kiến tích cực với thiên nhiên nhằm ngăn chặn sự suy thoái của thiên nhiên. Tuy nhiên, cần tới 1.000 tỉ USD mỗi năm để ngăn chặn và đảo ngược sự mất mát đa dạng sinh học.
“Các cam kết hôm nay cho thấy thế giới đang nhận thức được tầm quan trọng trong nhu cầu đảo ngược sự mất mát của thiên nhiên và đang bắt đầu huy động vốn trên quy mô lớn”, Marco Lambertini, Tổng Giám đốc Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) nhấn mạnh.
Khoảng 85 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã cam kết bảo vệ 30% lãnh thổ của mình. Bên cạnh đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, việc tất cả các quốc gia tham gia vào sáng kiến này sẽ là chìa khóa để "lật ngược tình thế" đối với tổn thất trong đa dạng sinh học.
Ngoài ra, các tổ chức khác như Rainforest Trust (tổ chức môi trường phi lợi nhuận trụ sở tại Mỹ) và Quỹ Trái Đất Bezos (Bezos Earth Fund) cũng nằm trong số những tổ chức cam kết tài trợ cho các dự án này.