Các ngân hàng thương mại cần chủ động tự cân đối, không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Nhà nước. |
Tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tổ chức ngày 2/3 tại Hà Nội, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã biểu dương 20 ngân hàng thương mại đã tích cực, chủ động triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thời gian qua.
Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng chủ động, khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp, nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 3-1-2020, Thông báo 35/TB-NHNN ngày 7-2, Công văn số 541/NHNN-TD ngày 4-2-2020 và Công văn 1117/NHNN-TD ngày 24-2, trên tinh thần tháo gỡ, chia sẻ khó khăn với khách hàng bị thiệt hại. Nhất là trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Theo báo cáo của 23 tổ chức tín dụng, ước tính có khoảng 926.000 tỉ đồng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm khoảng 14,27% trên tổng dư nợ của 23 tổ chức này và chiếm khoảng 11,3% dư nợ cho vay toàn hệ thống.
Cho đến nay, sau chỉ đạo của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỉ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi các vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí, triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng...
Hàng loạt các chính sách miễn giảm phí chuyển tiền, hạ lãi suất cho vay cũng được các ngân hàng thương mại triển khai nhanh chóng, đồng loạt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng từ dịch bệnh.
Phó Thống đốc cho rằng: "Dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới kết thúc và ngày càng lan rộng. Hiện Trung Quốc và Hàn Quốc là nước có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động với Việt Nam rất lớn. Vì vậy đây là một khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam".
Cũng theo Phó Thống đốc, các ngân hàng thương mại cần chủ động tự cân đối, không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ tài chính của Ngân hàng Nhà nước cũng như Nhà nước đối với từng tổ chức tín dụng.
Phải tính toán câu chuyện hoãn, giãn, cơ cấu lại khoản nợ, giảm lãi, giảm phí... trên tinh thần tự lực từ chính mình; tiếp tục triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch; đảm bảo mặt bằng lãi suất hợp lý và thực hiện nghiêm quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên…