Ai tiếp tay vụ phá 2 ha rừng ở huyện miền núi Bá Thước?

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước thừa nhận, hiện nay Chi cục Kiểm lâm đang làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật.
Khám phá rừng Bidoup - Núi Bà của cao nguyên Lâm ViênRừng nhiệt đới Amazon 'chạm giới hạn không thể đảo ngược'Tận diệt núi rừng là hủy hoại tài nguyên quốc gia!

Tại 2 xã Điền Thượng và Điền Hạ, huyện miền núi Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa vừa xảy ra vụ phá hơn 2 ha rừng. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, sự việc được cho là rúng động tại huyện miền núi này lại không được kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

ai tiep tay vu pha 2 ha rung o huyen mien nui ba thuoc
Tình trạng phá rừng ở huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). (Ảnh: KT)

Hơn 2 ha rừng với hàng trăm thân cây gỗ bị khai thác trái phép, 89 cây gỗ tạp (nhóm 6, nhóm 7) có đường kính từ 10 đến 50cm bị chặt hạ không thương xót từ hơn 2 tháng nay, hiện vẫn chưa có câu trả lời: "Ai đã tiếp tay cho vụ phá rừng ở miền núi Bá Thước". Điều đáng nói, khu vực rừng bị phá không phải khu rừng sâu. Con đường vận chuyển gỗ cũng được xác định là rất gần Đội bảo vệ rừng Thung Chấn, xã Điền Thượng. Đặt vấn đề tại sao, tình trạng phá rừng đã diễn ra từ tháng 9 với quy mô lớn, nhưng hơn 2 tháng sau cơ quan chức năng mới phát hiện, ông Lê Duy Ngợi - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bá Thước thừa nhận, hiện nay Chi cục Kiểm lâm đang làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Chi cục Kiểm lâm đã triệu tập kiểm lâm viên địa bàn, trạm trưởng và lãnh đạo từ hạt trưởng trở xuống, có kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Vụ việc này cũng chính tôi kiểm tra phát hiện” - ông Lê Duy Ngợi cho biết.

Theo ông Lê Duy Ngợi, bước đầu xác định có 11 đối tượng tham gia phá hơn 2 ha rừng. Trong đó, tại xã Điền Thượng có nhiều lô, khoảnh rừng thuộc tiểu khu 313 và 315 phát hiện 86 cây gỗ tạp đường kính từ 15 đến 40cm bị khai thác trái pháp luật. Trong đó, rừng sản xuất có 83 cây, rừng phòng hộ có 3 cây gỗ đã lấy ra khỏi rừng. Tại xã Đền Hạ tổng số gỗ bị khai thác trái phép là 89 cây gỗ tạp (nhóm 6, nhóm 7), đường kính từ 16 đến 30cm. Diện tích 2,06 ha này được giao cho người dân chăm sóc, bảo vệ.

Được biết, số gỗ bị khai thác trái phép vừa nêu, thuộc các chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc; Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành; UBND xã Điền Thượng. Ông Trương Văn Vinh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết, hiện nay các ngành đã vào cuộc kiểm tra sự việc, cơ quan chức năng cũng đang điều tra.

“Rừng Đền Thượng có 3 đối tượng, rừng sản xuất, rừng tự nhiên và rừng phòng hộ, thuộc 3 chủ quản lý khác nhau. Còn đối với rừng Điền Hạ là tái sinh nghèo kiệt, dân phát trồng keo là 2,06 ha. Hiện tại đang trong quá trình điều tra vụ việc”- ông Trương Văn Vinh cho biết.

Rõ ràng, việc để xảy ra tình trạng phá rừng là trách nhiệm của lực lượng chức năng, cụ thể là lực lượng kiểm lâm, lãnh đạo xã và chủ rừng. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước cho biết, để xảy ra tình trạng phá rừng trái phép, huyện sẽ có hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những tập thể, cá nhân có liên quan.

“Bây giờ phải xem mức độ vi phạm đến đâu, căn cứ vào luật để kỷ luật chứ chưa thể nói trước được điều gì, còn lực lượng kiểm lâm thì để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, xử lý”- ông Nguyễn Văn Dũng cho biết.

Đây không phải lần đầu ở huyện miền núi Bá Thước để xảy ra tình trạng phá rừng và có vị lãnh đạo đã bị cách chức vì để rừng bị chặt phá. Thế nhưng, không hiểu lý do gì tình trạng này vẫn tái diễn, thậm chí còn công khai hơn tại địa phương này.

Theo VOV