Ô nhiễm nhựa và rác thải nhựa đại dương là vấn đề xuyên biên giới. Theo Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), ước tính 80% nhựa trong các đại dương có nguồn gốc từ các nguồn phát thải trên đất liền. Mỗi năm có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa thải ra đại dương, đe dọa sự sống của các sinh vật biển, thậm chí còn đi ngược lại vào chuỗi thức ăn của con người.
Trên bản đồ đánh dấu những nơi có lượng phát thải nhựa ra đại dương lớn, một số nước Đông Nam Á (ASEAN) thuộc nhóm đứng đầu thế giới. Khu vực này vốn nổi tiếng với những đường bờ biển dài nên nguy cơ phát thải nhựa vào đại dương rất cao. Báo cáo của Tổ chức Bảo vệ Đại dương và Trung tâm McKinsey về Doanh nghiệp và Môi trường nhận định, các quốc gia đang phát triển đang bùng nổ nhu cầu về các sản phẩm tiêu dùng, nhưng lại thiếu cơ sở hạ tầng xử lý để đối phó với sự gia tăng của các loại túi nhựa. Bên cạnh lượng rác nhựa phát sinh từ tiêu dùng trong nước, mối lo lớn của các nước ASEAN đến từ nguồn phế liệu nhựa nhập khẩu phục vụ ngành tái chế.
Để ngăn chặn tình trạng này, ngày 28/5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã khởi động Kế hoạch hành động khu vực ASEAN về chống rác thải nhựa đại dương giai đoạn 2021-2025, cung cấp chiến lược chung tập trung vào giải pháp cho vấn đề này.
Kế hoạch hành động trên là một dấu mốc quan trọng đối với ASEAN, thể hiện cam kết tập thể mới mạnh mẽ hơn thông qua các hành động khu vực, phù hợp với các chương trình nghị sự quốc gia nhằm giải quyết một trong những thách thức môi trường nghiêm trọng.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho biết các vùng biển và bờ biển rất quan trọng đối với cuộc sống và sinh kế của người dân, song đang phải chịu áp lực lớn, đặc biệt là ô nhiễm rác thải đại dương có thể gây tổn hại sức khỏe con người cũng như làm suy giảm các ngành du lịch và đánh bắt cá quan trọng của khu vực.
Tổng thư ký Dato Lim nhấn mạnh rằng Kế hoạch hành động này minh chứng cho phản ứng tập thể và hướng tới tương lai của các nước thành viên ASEAN trước các thách thức nhằm hỗ trợ các chính sách, nền tảng khu vực và huy động các nguồn lực để bổ sung cho các hành động quốc gia hiện có.
Với 14 hành động khu vực dựa trên 4 trụ cột gồm hỗ trợ chính sách và lập kế hoạch; nghiên cứu, đổi mới và nâng cao năng lực; nhận thức, giáo dục và tiếp cận cộng đồng; và huy động sự tham gia của khu vực tư nhân, kế hoạch hành động này sẽ được thực hiện trong 5 năm tới, mang lại nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên xúc tiến, hợp tác và áp dụng các giải pháp lâu dài liên quan đến việc sử dụng và quản lý nhựa.
Kế hoạch hành động hỗ trợ cam kết chung của ASEAN trong việc giải quyết thách thức bằng cách giảm sử dụng nhựa, tăng cường thu gom, tái chế.
Các hành động được nêu trong Kế hoạch bao gồm hướng dẫn cho các quốc gia nhằm loại bỏ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, hài hòa hóa các chính sách khu vực về tái chế và tiêu chuẩn đóng gói nhựa, đồng thời tăng cường đo lường và giám sát rác thải nhựa đại dương. Các biện pháp phối hợp này cũng sẽ giúp nâng cao các nền tảng khu vực về đổi mới, đầu tư và đào tạo.
Việt Nam là quốc gia quyết liệt xử lý vấn nạn rác thải nhựa đại dương. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu tăng cường sự bền vững phát triển kinh tế biển. Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương cũng như tìm hiểu để xây dựng chính sách quản lý liên quan đến ô nhiễm nhựa trên biển.
“Cần tạo nhiều sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy”
Việc đẩy mạnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, xử lý rác thải nhựa được coi là một trong những giải pháp quan trọng tại Việt Nam. Trọng tâm hợp tác với khối tư nhân trong quản lý rác thải nhựa xoay quanh ba nội dung: Nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa và phân loại rác tại nguồn; Hỗ trợ các hoạt động phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải nhựa, tăng cường đổi mới công nghệ và giải pháp tái chế; Xây dựng chính sách hỗ trợ kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam.
Tại Việt Nam đã hình thành Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Vietnam) với 13 thành viên. Các doanh nghiệp dù cạnh tranh nhưng tự nguyện hợp tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam.
Khó khăn, thách thức hiện nay là rác thải nhựa chưa được phân loại tại nguồn gây khó khăn cho việc thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế. Thiếu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào hoạt động thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa khó phân hủy; hỗ trợ giải pháp công nghệ - kỹ thuật thân thiện môi trường trong tái chế, tái sử dụng, hoặc tạo sản phẩm nhựa sinh học dễ phân hủy dùng trong đời sống.
Ông Tạ Đình Thi, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT).