Ô nhiễm "bủa vây"
Làng nghề giấy Phong Khê có từ hàng trăm năm và được khôi phục, phát triển mạnh từ năm 1994 lại đây. Hiện nay, toàn phường Phong Khê có khoảng 212 cơ sở sản xuất giấy các loại, gồm 254 dây chuyền sản xuất, công suất khoảng 250.000 tấn giấy/năm, doanh thu hơn 1.300 tỉ đồng, đời sống nhân dân thực sự khá giả.
Những năm gần đây, thành phố quy hoạch và xây dựng 2 CCN Phong Khê I và Phong Khê II, nhằm đưa các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư ra hoạt động tập trung tại CCN, tránh ô nhiễm môi trường về tiếng ồn, chất thải, khí thải, nước thải cho người dân sinh sống tại đây. Nhiều cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ hiện đại, tăng năng suất, giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, tiếng ồn, khói bụi, chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp đã giảm, nhưng ô nhiễm nguồn nước vẫn thực sự đáng báo động. Cơ bản nước thải ở các cơ sở vẫn xả trực tiếp ra các kênh mương, cống rãnh, ao hồ, sông Ngũ Huyện Khê, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Theo phân tích, đánh giá của ngành chuyên môn thì tính chất nước thải của việc sản xuất giấy tái chế rất phức tạp, khối lượng nước thải lớn, trung bình hơn 11.000 m3/ngày, đêm và khó thu gom, chế độ thải không ổn định nên không bảo đảm các yếu tố môi trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất.
Hiện mới chỉ có một số cơ sở có ý thức lập Kế hoạch bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận công trình hoàn thành bảo vệ môi trường, phục vụ giai đoạn vận hành của nhà máy và ký hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại. Còn nhiều cơ sở sản xuất chưa thực hiện được các nhiệm vụ trên, nên cùng với ô nhiễm nguồn nước thì vẫn còn hiện tượng xả rác bừa bãi, nhiều bãi rác tự phát hình thành, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe nhân dân và cảnh quan môi trường.
Ô nhiễm môi trường làng nghề giấy Phong Khê nằm trong danh sách phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Tỉnh chỉ đạo TP.Bắc Ninh phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải và thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường cấp bách.
Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại phường Phong Khê, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm liên quan đến môi trường ở Phong Khê 1 và Cụm công nghiệp Phong Khê 2.
Ngày 29/4, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định xử phạt sáu doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giấy, có địa chỉ tại đường 286 Châm Khê, phường Phong Khê (TP Bắc Ninh) với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng, do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đồng thời đình chỉ hoạt động chín tháng đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này để khắc phục vi phạm.
Cụ thể, UBND tỉnh Bắc Ninh xử phạt Công ty Trách nhiệm hữu hạn Viphaco với số tiền 695 triệu đồng; hộ kinh doanh Nguyễn Trọng Du 362,5 triệu đồng; hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hoàn số tiền 347,5 triệu đồng và xử phạt các hộ kinh doanh Nguyễn Bá Chứ, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Trọng Sơn cùng số tiền là 275 triệu đồng, do vi phạm hoạt động sản xuất nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; xả nước thải với các thông số vượt qua quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra ngoài môi trường.
Theo Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Xuân Thanh, để giải quyết tốt vấn đề môi trường, tỉnh cần điều tiết quản lý nguồn nước đầu vào và đầu ra tại Phong Khê. Trong đó, biện pháp quyết liệt là yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải ban đầu, kiên quyết không để các doanh nghiệp xả thải trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê….
Để xử lý vi phạm nguồn xả thải gây ô nhiễm vào công trình thủy lợi, tại buổi làm việc với phường Phong Khê vào ngày 27/4, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu TP Bắc Ninh tiếp tục rà soát toàn bộ các cơ sở sản xuất, lập hồ sơ xử phạt, đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có hệ thống xử lý nước thải nhưng không hoạt động; các cơ sở chỉ được hoạt động trở lại khi đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải.
Đặc biệt, Công an tỉnh thực hiện niêm phong các cơ sở sau khi có quyết định đình chỉ, nếu cơ sở cố tình vi phạm, tự ý tháo bỏ niêm phong sẽ áp dụng xử lý ở mức cao hơn. Đối với cơ sở bị đình chỉ nhiều lần, cần thành lập Tổ chốt chặn các phương tiện ra, vào cơ sở; cắm biển hạn chế tải trọng theo quy định trong khu dân cư.
Đồng thời thành lập Tổ công tác thường xuyên xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường; lập chuyên án xử lý nghiêm, ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng gây ô nhiễm môi trường…